Tổng hợp của Sở NN&PTNT cho thấy: Các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và địa phương đã và đang áp dụng gồm 74 chính sách (53 của Trung ương, 21 của địa phương); trong đó 7 chính sách đã hết hiệu lực (3 trung ương, 4 địa phương).
Các chính sách được phân theo 4 nhóm sau: Nhóm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp có 34 chính sách (24 của Trung ương, 10 của địa phương) với lĩnh vực trồng trọt 13, chăn nuôi 7, lâm nghiệp 9, thủy sản 5. Nhóm chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp có 10 chính sách (Trung ương 6, địa phương 4).
Nhóm chính sách về thực hiện các chương trình, mục tiêu có 24 chính sách (Trung ương 18, địa phương 6) với chương trình XDNTM có 12 chính sách, nước sạch và vệ sinh môi trường có 5 chính sách, chương trình phát triển kinh tế xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc miền núi có 3 chính sách, chương trình đào tạo nghề có 3 chính sách. Nhóm chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng sản xuất nông nghiệp có 6 chính sách.
Nhìn chung các chính sách từ Trung ương đến địa phương hầu hết đều phục vụ cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM với nhiều chính sách thông thoáng, ưu đãi với mức cao cho doanh nghiệp và người nông dân. Các chính sách đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp và chương trình XDNTM. Trong quá trình thực hiện nhiều chính sách đã được sửa đổi bổ sung kịp thời, sát với thực tế...
Tuy nhiên, công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách còn hạn chế; một số chính sách phạm vi còn hẹp, thời gian và hiệu lực ngắn, một số chính sách thiếu tính thuyết phục, không phù hợp với thực tiễn; một số địa phương và cơ quan chuyên môn chưa thực sự làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát sau khi thực hiện chính sách, chưa đánh giá được hiệu quả của chính sách...
Trên cơ sở kết quả rà soát các chính sách trên, ngành nông nghiệp xác định: Tiếp tục cập nhật, bổ sung , rà soát các chính sách và chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Nghiên cứu các chính sách của Trung ương áp dụng trên địa bàn tỉnh, đề xuất với tỉnh trình Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách đã ban hành cho phù hợp.
Các huyện, thành phố bám sát các chính sách của Trung ương và tỉnh, phối hợp với các cơ quan chuyên môn vận dụng sáng tạo vào điều kiện, tình hình của từng địa phương cho phù hợp. Các đơn vị trực thuộc sở căn cứ nhiệm vụ, chức năng, cập nhật cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh, nghiên cứu tham mưu, đề xuất các giải pháp ứng dụng để có hiệu quả nhất.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đến mọi người dân, trước hết là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành nông nghiệp.
Đinh Chúc