Quyết tâm hoàn thành "mục tiêu kép" ngay từ đầu năm
Thứ Sáu, 26/02/2021, 08:50
Zalo
Ngay sau những ngày đầu năm cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã bắt tay ngay vào sản xuất với "mục tiêu kép" vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả. Đây chính là tiền đề vững chắc, lực đẩy mạnh mẽ để Ninh Bình hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đã được đề ra. Tuy nhiên bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước để tạo thêm lực đẩy giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn hiện nay. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương về vấn đề này.
Quyết tâm hoàn thành "mục tiêu kép" ngay từ đầu năm
Phóng viên (P.V):Năm 2021 được nhận định với nhiều khó khăn đan xen với thuận lợi, xin đồng chí đánh giá khái quát về tình hình sản xuất kinh doanh trong tháng đầu năm?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Chúng ta bước vào năm 2021 với những thuận lợi đan xen những khó khăn, nền kinh tế đang phải đối mặt những rủi ro lớn khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng vào cuối tháng 1. Hoạt động sản xuất công nghiệp chưa thể phục hồi nhanh như trước khi có dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều thị trường xuất khẩu chưa thể hồi phục do các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục hạn chế nhập khẩu vì giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới. Khu vực dịch vụ chưa kịp phục hồi đã tiếp tục bị "bồi" thêm khó khăn trước làn sóng dịch COVID-19 mới.
Song những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được trong những năm qua đã tạo ra thế và lực mới, bên cạnh đó sự đồng thuận trong nhân dân, sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục là tiền đề, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh những năm tiếp theo. Chính những thuận lợi này đã tạo "lực đẩy"' để nền kinh tế vượt qua khó khăn đạt được kết quả sản xuất đáng ghi nhận ngay từ đầu năm.
P.V:Để thực hiện được "mục tiêu kép" thì vấn đề an toàn trong sản xuất, kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu. Vậy ngành Công thương đã thực hiện như thế nào thưa đồng chí?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong và ngoài nước Sở Công thương đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cụm công nghiệp, các nhà máy và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện ngay việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường công tác quản lý lao động để đảm bảo thực hiện tốt việc theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú, nơi làm việc theo quy định đối với chuyên gia, nhà quản lý, lao động nước ngoài sau khi hết thời gian cách ly tập trung. Đồng thời yêu cầu chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh nếu không triển khai hoặc thực hiện không nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, để xảy ra lây nhiễm dịch COVID-19 trong doanh nghiệp.
Dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (KCN Gián Khẩu). Ảnh: Anh Tuấn
P.V:Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn về lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, ngành Công thương sẽ có hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng tiếp theo năm 2021, Sở Công thương thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Bình về việc tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Đặc biệt, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; thúc đẩy phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới.
Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Đồng thời, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngành Công thương cũng làm tốt công tác tham mưu xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành: Quy chế phối hợp quản lý các CCN trên địa bàn tỉnh; Chương trình công tác của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật CCN... nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó ưu tiên các dự án thuộc ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử, các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, các dự án có quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.