Nhiều cơ sở KCB gia tăng bội chi quỹ BHYT
Theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội tỉnh, 9 tháng đầu năm 2017, Quỹ KCB BHYT của tỉnh bội chi 248 tỷ đồng, tăng 280% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó có một số đơn vị bội chi quỹ khá cao, như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh bội chi trên 64,6 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn bội chi trên 40,1 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Khánh hơn 38,6 tỷ đồng; Bệnh viện Quân y 5 (Quân khu 3) vượt quỹ trên 26,8 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan gần 25 tỷ đồng; Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình trên 19 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Hoa Lư trên 17 tỷ đồng; các Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Viễn, Yên Mô và thành phố Tam Điệp, mỗi đơn vị vượt quỹ từ 11,6 đến trên 16 tỷ đồng; một số phòng khám đa khoa tư nhân và bệnh viện Công an tỉnh, Bệnh xá Quân đoàn I đều gia tăng bội chi Quỹ KCB BHYT… Toàn tỉnh ký hợp đồng với 33 cơ sở KCB, trong đó có 18/33 cơ sở KCB vượt Quỹ KCB BHYT trong 9 tháng đầu năm 2017.
Bệnh viện Quân y 5 - Quân khu 3 là một trong số đơn vị y tế có số bội chi tăng cao so với năm 2016. 9 tháng đầu năm 2017, đơn vị vượt quỹ số tiền gần 27 tỷ đồng. Theo Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Hưng, Chính ủy Bệnh viện, nguyên nhân bội chi của bệnh viện có nhiều, trong đó tập trung vào một số nguyên nhân chính là do cơ cấu thẻ BHYT của bệnh viện thấp, chỉ có trên 9,4 nghìn thẻ KCB BHYT, trong khi mức phí đóng thấp, định giá thấp chủ yếu là thẻ của cán bộ về hưu, số lần khám nhiều kéo theo chi phí lớn. Cùng với đó là do thay đổi giá dịch vụ y tế, chi phí đa tuyến đi chiếm tỷ lệ cao, tần suất KCB tăng, tỷ lệ người mắc bệnh nặng, chi phí tăng cao so với dự kiến… Thêm vào đó còn có nguyên nhân là do cơ cấu bệnh tật thay đổi, tần suất bệnh nhân mãn tính chiếm tỷ lệ cao… từ đó dẫn đến quỹ KCB của Bệnh viện không cân đối được, tình trạng bội chi không ngừng gia tăng theo tháng, theo quý.
Để khắc phục tình trạng bội chi Quỹ KCB BHYT, ngày 24/10/2017, Bệnh viện Quân y 5 đã có Thông báo số 554, gửi các khoa, ban trong bệnh viện, yêu cầu các khoa, ban thực hiện tốt một số nội dung như: Tiếp tục thực hiện giảm chi phí về chỉ định thuốc xuống 10% và chi phí chỉ định cận lâm sàng xuống 10% theo Thông báo số 334, ngày 7/8/2017 của Giám đốc bệnh viện. Cùng với đó, căn cứ vào tình trạng bệnh nhân đảm bảo ngày nằm điều trị trung bình phù hợp, không cho bệnh nhân ra viện quá sớm hoặc kéo dài ngày điều trị không cần thiết (duy trì ngày điều trị trung bình khoảng 9 ngày). Khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng nhận bệnh nhân vào điều trị phù hợp, bệnh nhân chưa đến mức phải điều trị nội trú thì khám cấp thuốc cho bệnh nhân về điều trị ngoại trú. Đồng thời tăng cường chế độ bệnh viện, đặc biệt chế độ bệnh nhân vào điều trị nội trú, không cho bệnh nhân về nhà kể cả ngày lẫn đêm trong thời gian bệnh nhân điều trị tại bệnh viện… Kết quả từ thời gian triển khai thông báo đến các khoa, ban cho thấy, số chi phí KCB BHYT đã giảm từ 8-10% so với trước đó. Cùng với các giải pháp trên, Bệnh viện Quân y 5 cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền cơ cấu lại số thẻ KCB BHYT, tăng số thẻ cho Bệnh viện, nhất là những thẻ có tần suất KCB thấp, góp phần giảm tình trạng bội chi cho Bệnh viện. Đồng thời đề nghị cơ quan BHXH tỉnh xem xét thanh toán số tiền vượt quỹ, vượt trần do các nguyên nhân khách quan để Bệnh viện có kinh phí chi trả các nguồn chi phí về vật tư, thuốc…
Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Khánh cũng là một trong số bệnh viện tuyến huyện có sự gia tăng bội chi lớn. Theo bác sĩ Phan Sỹ Điển, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Khánh, nguyên nhân gây bội chi ở Bệnh viện cũng có chung các nguyên nhân như ở Bệnh viện Quân y 5 và các cơ sở KCB khác. Ngoài ra còn thêm nguyên nhân nữa là do thông tuyến KCB giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc nên gây tăng chi phí, kéo theo người bệnh đi khám và chuyển tuyến không quản lý được. Bệnh viện huyện Yên Khánh hiện không thể quản lý và kiểm soát được chi phí đa tuyến đi, dẫn đến chi phí đa tuyến chiếm tới 85,4%, là nguyên nhân chính khiến bội chi quỹ của bệnh viện lên tới trên 38 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017.
Hiện Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Khánh đang tập trung khắc phục tình trạng bội chi bằng cách phối hợp với BHXH huyện tích cực tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người dân hiểu về việc KCB của mình, nhằm hạn chế tình trạng vượt tuyến hoặc có tâm lý đi khám nhiều cơ sở y tế cùng một lúc để kiểm tra kết quả gây lãng phí chi phí. Cùng với đó thông báo tình hình vượt trần, bội chi quỹ BHYT tới tất cả cán bộ, viên chức trong Bệnh viện biết để đề ra phương án giảm thiểu sai sót chủ quan mà các khoa, phòng đã gặp. Đặc biệt yêu cầu các khoa lâm sàng và cận lâm sàng rà soát các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại Bệnh viện, ưu tiên các kỹ thuật cần thiết khi bệnh nhân đến KCB. Đồng thời nhất trí với cơ quan BHXH huyện Yên Khánh không cho thanh toán những chi phí bất hợp lý như áp giá sai, thiếu thủ tục hành chính, chỉ định không hợp lý, thanh toán không đúng niên hạn…, góp phần từng bước giảm tình trạng bội chi quỹ BHYT.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp
Ngày 11/9/2017, UBND tỉnh đã có Thông báo số 43 kết luận của UBND tỉnh tại hội nghị bàn giải pháp khắc phục tình hình bội chi Quỹ KCB BHYT trên địa bàn tỉnh. Thông báo nêu rõ: Thời gian qua, công tác KCB BHYT cơ bản đáp ứng được nhu cầu KCB và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Ngành Y tế và BHXH đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng bội chi quỹ BHYT. Tuy nhiên, tình trạng bội chi Quỹ KCB BHYT vẫn còn gia tăng và ở mức cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan do công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế, quản lý quỹ của BHXH, công tác quản lý, trách nhiệm của các cơ sở KCB.
Để khắc phục tình trạng trên, hướng tới cân đối thu - chi Quỹ KCB BHYT, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan như Sở Y tế, ngành BHXH và các cơ sở KCB có các biện pháp giảm chi phí KCB trong toàn ngành. Thực hiện giao chỉ tiêu trong quý IV/2017, giảm chi phí KCB của mỗi cơ sở KCB BHYT xuống 6% tính trên tổng số chi phí KCB của quý IV/2016; năm 2018, giảm 7% so với năm 2016. Đây là chỉ tiêu đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng đơn vị và đánh giá thực hiện nhiệm vụ của Thủ trưởng các cơ sở KCB và toàn ngành Y tế. Đối với ngành BHXH, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phát triển đối tượng tham gia BHYT; cùng với ngành Y tế phân tích, đánh giá nguyên nhân gia tăng chi phí để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở KCB; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT; không ký hợp đồng KCB BHYT đối với các cơ sở không đủ điều kiện hoặc bội chi quỹ cao do nguyên nhân chủ quan…
Bà Đặng Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc bội chi quỹ BHYT lớn như: Tăng tần suất KCB do tác động của thông tuyến, tăng giá dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 37, tăng thẻ BHYT... thì còn nhiều cơ sở KCB còn có các biểu hiện lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT như: chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, sử dụng phục hồi chức năng…); kéo dài ngày điều trị để thanh toán thêm tiền ngày giường; đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú đối với những trường hợp chưa đến mức phải nằm viện; kê thêm giường nhằm hợp lý hóa việc thanh toán vượt công suất sử dụng giường bệnh; sử dụng một số vật tư y tế có giá quá cao; một số cơ sở KCB còn mở rộng quy mô hoạt động, triển khai thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật mới nhằm thu hút người bệnh làm gia tăng chi phí y tế... Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, bước đầu cơ quan BHXH đã từ chối số tiền chi không đúng quy định trên 12 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo bà Đặng Thị Thanh Hà, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã kịp thời đề ra một số giải pháp chủ yếu nhằm kiểm soát gia tăng chi phí KCB BHYT. Theo đó, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chi phí hàng quý, đề xuất biện pháp giảm bội chi. Tăng cường công tác tuyên truyền, tích cực CCHC nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT; đồng thời có nhận thức đúng đắn khi tham gia KCB tại các cơ sở y tế. Ngành BHXH cũng xây dựng kế hoạch kiểm soát chi phí KCB BHYT năm 2017, phấn đấu kiểm soát tốt chi phí để thực hiện đúng kế hoạch chi KCB BHYT do BHXH Việt Nam giao. Đặc biệt, tập trung vào việc rà soát, phân tích chi phí KCB BHYT bất hợp lý khi thực hiện quyết toán quý III và số liệu đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 của tất cả các cơ sở KCB; lập kế hoạch kiểm tra đột xuất, định kỳ các cơ sở chi phí lớn, gia tăng nhanh, có dấu hiệu bất thường và chưa chấp nhận thanh toán đối với các cơ sở KCB kê thêm giường nội trú mà không đảm bảo định mức nhân lực/giường bệnh của Bộ Y tế.
Cùng với đó, ngành BHXH bố trí giám định viên thường trực tại các cơ sở KCB để phối hợp tư vấn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Rà soát và cân đối lại nguồn kinh phí KCB BHYT cả năm 2017 của tỉnh, đề xuất nguồn kinh phí cấp ứng cho quý IV/2017 để đảm bảo cho các cơ sở KCB BHYT hoạt động. Tiếp tục ứng dụng CNTT trong thanh quyết toán BHYT, kết nối liên thông dữ liệu theo đúng thời gian và đảm bảo chất lượng theo quy định. Giao chỉ tiêu và gắn trách nhiệm của từng đồng chí lãnh đạo, viên chức trong việc triển khai công tác giám định, phát động phong trào thi đua về giảm bội chi quỹ, có đánh giá xếp loại thi đua cuối năm. Đặc biệt, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB triển khai thực hiện hiệu quả kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị bàn giải pháp khắc phục tình hình bội chi quỹ KCB BHXH trên địa bàn tỉnh: Trong quý IV/2017, giảm 6% tính trên tổng số chi phí KCB của quý IV/2016 và năm 2018, giảm 7% so với năm 2016.
Với những giải pháp cụ thể, quyết liệt, hy vọng tỉnh Ninh Bình sẽ từng bước giảm vượt quỹ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bội chi Quỹ KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh