Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với việc giáo dục quyền con người, quyền công dân. Hội nghị là dịp quan trọng nhìn nhận những kết quả, bài học kinh nghiệm khi thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (2017-2024).
Đồng chí đề nghị các đại biểu trao đổi, đề xuất các biện pháp mới trong thực hiện Đề án, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm của từng cơ quan trong thực hiện Đề án; chia sẻ mô hình hay, cách làm tốt về giáo dục quyền con người. Làm tốt việc hợp tác quốc tế về giáo dục quyền con người. Sau hội nghị này, cơ quan chủ trì thực hiện Đề án sẽ phối hợp với các cơ quan tham mưu nghiên cứu xây dựng văn bản chỉ đạo mới của Đảng về giáo dục quyền con người.
Báo cáo công tác thực hiện Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2024 nêu rõ: Việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác thực tiễn của các ban, bộ, ngành, địa phương.
Các cơ quan tham gia Đề án đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các văn bản triển khai thực hiện Đề án; tổ chức khảo sát thực tế; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn; triển khai các đề tài khoa học; hoàn thiện các khung, chương trình đào tạo; tổ chức các hoạt động đối ngoại; tuyên truyền, quảng bá, biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm, sách tham khảo, tài liệu hướng dẫn trên lĩnh vực quyền con người.
Việc triển khai thực hiện Đề án đã thu hút được sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, báo chí và công chúng về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về quyền con người, giáo dục quyền con người, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về quyền con người. Hoạt động của Đề án đã góp phần tích cực vào công tác đối thoại về quyền con người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án trong năm 2025 đó là: khắc phục hạn chế, bất cập để đưa hoạt động của Đề án theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung được phê duyệt. Hoàn thành xây dựng tài liệu giảng dạy chuẩn về quyền con người áp dụng thống nhất trong cả nước.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người trong các cấp học, ngành học. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nội dung giáo dục quyền con người cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận đánh giá cao nỗ lực của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đồng chí khẳng định: Việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc. Thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân nên nước ta luôn ổn định và phát triển.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp giáo dục về quyền con người, bảo vệ quyền con người, trong thời gian tới đồng chí đề nghị các bộ, ngành và địa phương xác định giáo dục quyền con người, bảo vệ quyền con người là mang tính chất toàn cầu, toàn diện, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; triển khai đồng bộ chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quyền con người; thực hiện hiệu quả quyền con người đã được Hiến pháp quy định.
Đổi mới, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần lấy người dân làm trung tâm, làm tốt công bằng xã hội, an ninh xã hội.
Tăng cường sự giám sát của MTTQ các cấp với việc thực hiện quyền con người; đảm bảo con người được sống vui, sống khoẻ, an toàn; mọi người được tự do hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, phát huy tối đa lợi ích của cá nhân, có đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Đảm bảo người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không để ai bỏ lại phía sau.