Nguồn Quỹ này được quản lý bởi Hội nông dân các cấp, do vậy thực hiện chỉ tiêu xây dựng tăng trưởng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp trên giao, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức ký giao ước thi đua, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân năm 2017 cho các đơn vị. Sau đó các huyện, thành hội đã kịp thời giao chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn cho cơ sở, từ đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, các tổ chức, cá nhân, các hộ đang thụ hưởng dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân ủng hộ quỹ.
Công tác quản lý Quỹ được các cấp Hội trong tỉnh thường xuyên quan tâm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho hơn 600 cán bộ hội, gồm cán bộ Hội Nông dân tỉnh, cán bộ chuyên trách cấp huyện, ban thường vụ Hội nông dân cơ sở, ban chấp hành, chi hội trưởng, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ liên kết. Hội nông dân cấp huyện cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cùng cấp thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý sổ sách, nghiệp vụ thanh toán cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ trưởng tổ vay vốn. Hội Nông dân tỉnh cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân và hoạt động ủy thác của các ngân hàng. Các cấp hội đã tổ chức được 347 cuộc kiểm tra tại 601 đơn vị. Đến nay toàn tỉnh không có hộ vay nợ quá hạn và lãi tồn, không có tình trạng vay hộ, vay ké.
Được biết, thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, huyện, xã được ngân sách địa phương cấp 7.954 triệu đồng. Tại tỉnh ta, hiện đã có 8/8 huyện, thành phố xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong đó có 6 huyện đạt mức 500 triệu đồng trở lên; 143 xã, phường tổ chức vận động xây dựng quỹ với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng đã chuyển lên Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện quản lý. Đến ngày 31/8/2017, Hội Nông dân tỉnh quản lý hơn 24.500 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Toàn bộ nguồn vốn này hiện cho hơn 1.500 hội viên nông dân vay với 201 dự án phát triển kinh tế.
Cùng với việc giải ngân cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, các cấp hội trong tỉnh đã thực hiện tốt việc chuyển giao KHKT, dạy nghề cho nông dân nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức 691 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho gần 65 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân. Từ các dự án vay vốn nhóm hộ, các hộ đã đoàn kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả phí, gốc đúng hạn. Đồng thời liên kết với nhau từ khâu mua giống, vốn, vật tư đầu vào trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vì vậy các hộ vay đã phát huy hiệu quả đồng vốn, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá như: hộ gia đình ông Trần Xuân Xá (phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp), Phạm Trung Tuyến (xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư)… Nhiều hộ đã đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp như: hộ bà Đỗ Thị Thanh (xã Ninh Vân, Hoa Lư), hộ ông Trần Văn Chính (xã Như Hòa, Kim Sơn)… Thông qua dự án vay vốn, các cơ sở hội cũng đã xây dựng được nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao để hội viên nông dân học tập, nhân rộng như mô hình trồng cây thuốc nam, mô hình nuôi dê bản địa (Trường Yên, Hoa Lư), nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản tại huyện Gia Viễn, mô hình chế tác đá mỹ nghệ tại xã Ninh Vân (Hoa Lư)… Từ các dự án nhóm hộ vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, từ đầu năm đến nay các cấp hội nông dân trong tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập được 11 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã bước đầu hoạt động hiệu quả và xây dựng được thêm 1 chi hội nghề nghiệp tại xã Ninh Vân (Hoa Lư).
Duy Hiền