Về nội dung này, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình trả lời như sau: Luật Trợ giúp pháp lý 2006 và các văn bản pháp luật liên quan quy định: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý dưới các hình thức: tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác do Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, tư vấn viên pháp luật thực hiện nhằm giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ công lý, công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Những đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí gồm có: - Người nghèo: Là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật . - Người có công với cách mạng, gồm: Người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng LLVTND , Anh hùng lao động. - Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng, gồm: Người được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước", người được tặng Huân, Huy chương kháng chiến; Cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sỹ; con của liệt sỹ chưa đủ 18 tuổi; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ. - Người già cô đơn: là người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa. - Người tàn tật: là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận của cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn, hoặc là người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV hoặc các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự và không có nơi nương tựa. - Trẻ em và người chưa thành niên dưới 18 tuổi. - Người dân tộc thiểu số: là người thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật. - Các đối tượng khác, gồm: Phụ nữ: là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị bóc lột sức lao động hoặc bị xâm hại tình dục; phụ nữ đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục kết hôn và ly hôn; phụ nữ có tranh chấp, vướng mắc pháp luật, người bị hại, bị can, bị cáo trong thời gian mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng; phụ nữ là người khuyết tật hoặc đang bị các bệnh hiểm nghèo; phụ nữ là người lao động bị sa thải trái pháp luật hoặc nạn nhân bị lừa đảo trong quan hệ lao động, trong quan hệ hôn nhân gia đình hoặc bị tước đoạt tài sản trái pháp luật và các đối tượng khác được TGPL theo quy định tại các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Xuân Trường