Cơ sở để hành nghề đúng chuyên môn
Thông tư 18 áp dụng đối với sĩ quan, QNCN, CNVCQP, lao động hợp đồng hành nghề KCB; cơ sở KCB thuộc BQP và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Thời gian KCB để cấp CCHN là thời gian trực tiếp KCB hoặc chăm sóc người bệnh kể từ ngày người đó bắt đầu thực hiện KCB sau khi được cấp văn bằng chuyên môn (xác định từ thời điểm có quyết định tuyển dụng hoặc ký kết hợp đồng lao động) đến ngày đề nghị cấp CCHN (bao gồm cả thời gian học chuyên khoa hoặc sau đại học theo đúng chuyên khoa mà người đó đề nghị cấp CCHN).
Đối với người hành nghề KCB thuộc BQP bao gồm các đối tượng quy định tại Điều 17, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh, đang công tác tại các cơ sở KCB thuộc BQP, gồm có bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, lương y và người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Cơ sở KCB thuộc BQP gồm: Các bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh, viện y học cổ truyền, bệnh viện quân dân y; các bệnh xá quân y, bệnh xá quân dân y; phòng khám bệnh, chữa bệnh đa khoa; phòng khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa; phòng khám bệnh quân dân y; quân y cơ quan từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; tổ quân y có giường lưu; quân y tiểu đoàn và tương đương.
Tại Điều 5 của Thông tư 18 nêu rõ quyền và trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc BQP theo quy định tại các Điều 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 53 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh. Ngoài việc thực hiện quy định theo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh, người hành nghề và cơ sở KCB có trách nhiệm thực hiện các quy định theo Điều lệ Công tác quân y và Điều lệnh Quản lý bộ đội của BQP.
Về thẩm quyền cấp, cấp lại CCHN, Thông tư 18 quy định, Bộ trưởng BQP quyết định cấp, cấp lại CCHN đối với người hành nghề thuộc BQP. Trong một số trường hợp cụ thể, căn cứ vào hồ sơ báo cáo của Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng BQP có thể ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quân y quyết định cấp, cấp lại CCHN đối với người hành nghề thuộc BQP. Trình tự cấp, cấp lại CCHN, người đề nghị cấp, cấp lại CCHN gửi 1 bộ hồ sơ theo hệ thống ngành dọc quân y cho đến bộ phận thường trực Tổ thẩm định hồ sơ. Trong thời hạn 30 ngày (đối với trường hợp CCHN), 15 ngày (đối với trường hợp cấp lại CCHN), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổ thẩm định hồ sơ tổ chức thẩm định. Nếu hồ sơ đủ điều kiện theo quy định, Tổ thẩm định hồ sơ tổng hợp, lập danh sách gửi Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định kèm theo hồ sơ của người hành nghề và công văn đề nghị của thủ trưởng đơn vị. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Tổ thẩm định hồ sơ có văn bản thông báo để người đề nghị cấp, cấp lại CCHN hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể nội dung cần bổ sung, sửa đổi. Trong thời hạn 30 ngày (đối với trường hợp đề nghị cấp CCHN), 15 ngày (đối với trường hợp đề nghị cấp lại CCHN), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định, xét duyệt hồ sơ. Nếu hồ sơ đủ điều kiện, không có yêu cầu bổ sung thì Hội đồng thẩm định đề nghị Bộ trưởng BQP cấp, cấp lại CCHN. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Hội đồng thẩm định phải gửi trả lại Tổ thẩm định hồ sơ để thông báo cho người đề nghị cấp, cấp lại CCHN hoàn chỉnh hồ sơ. Mỗi cá nhân chỉ được cấp một CCHN khám chữa bệnh, có giá trị sử dụng trong và ngoài Quân đội trên phạm vi toàn quốc.
Mục tiêu bảo đảm tốt sức khỏe bộ đội
Thông tư 18 cũng quy định rõ, một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở KCB thuộc BQP, không được đồng thời làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật từ hai cơ sở KCB trở lên. Một người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở KCB thuộc BQP, không được đồng thời làm người phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở KCB hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở KCB khác. Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở KCB thuộc BQP có thể kiêm nhiệm phụ trách khoa trong cùng một cơ sở KCB nhưng chỉ được phụ trách một khoa và phải phù hợp với văn bằng chuyên môn được đào tạo của người đó. Người hành nghề tại cơ sở KCB thuộc BQP được đăng ký làm việc ngoài giờ tại một cơ sở KCB không thuộc BQP nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thực hiện đúng theo các quy định của thủ trưởng đơn vị cấp trực thuộc BQP về việc đăng ký hành nghề ngoài giờ. Được Thủ trưởng đơn vị từ cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên đồng ý bằng văn bản. Quá trình làm việc ngoài giờ không được làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao. Người hành nghề tại cơ sở KCB thuộc BQP không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở KCB được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã.
Thông tư cũng nêu rõ, người đề nghị cấp CCHN phải có thời gian thực hành phù hợp với văn bằng chuyên môn được đào tạo. Đối với bác sĩ đa khoa thực hành tại các cơ sở KCB thuộc BQP hoặc dân y theo khối nội và khối ngoại; tổng thời gian thực hành là 18 tháng, trong đó thời gian thực hành tại mỗi khối là 9 tháng. Đối với y sĩ đa khoa thực hành tại các cơ sở KCB thuộc BQP hoặc dân y; thời gian thực hành là 12 tháng. Đối với các đối tượng còn lại thực hành tại các cơ sở KCB thuộc BQP hoặc dân y; thời gian thực hành là 9 tháng.
Theo QĐND