Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang tác động tích cực tới nhận thức của chủ rừng, hộ nhận khoán, những người được hưởng lợi từ rừng về ý nghĩa, vai trò của rừng. Đặc biệt, chính sách đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Nghị định, đối tượng và loại dịch vụ phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng bao gồm: Các cơ sở sản xuất thủy điện phải trả tiền dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện.
Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch.
Các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ Carbon của rừng; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn thức ăn từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.
Đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là các chủ rừng: Chủ rừng là tổ chức Nhà nước, các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, hộ gia đình, cá nhân cộng đồng dân cư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao rừng, tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý.
Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng: Với cơ sở sản xuất thủy điện là 20 đồng/Kwh điện thương phẩm. Các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch là 40 đồng/m3 nước thương phẩm. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng thì từ 1-2% tổng doanh thu.
Triển khai thực hiện Nghị định này, ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 22-4-2016 về việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình và là đơn vị chủ trì trong việc triển khai và đưa chính sách áp dụng vào thực tiễn cuộc sống trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh thực hiện theo quy định tại Quyết định số 544/QĐ-UBND ngày 22-4-2016.
Nhiệm vụ là: Vận động tiếp nhận và quản lý các khoản đóng góp bắt buộc; nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Tổ chức thẩm định, xét chọn chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định hỗ trợ đầu tư.
Tiếp nhận tiền và thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hỗ trợ tài chính cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án.
Chỉ đạo hướng dẫn các đối tượng được hưởng nguồn tài chính từ Quỹ hỗ trợ. Phân bổ kinh phí cho từng chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án theo kế hoạch hàng năm được phê duyệt.
Kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án được Quỹ hỗ trợ. Đình chỉ, thu hồi kinh phí đã hỗ trợ khi phát hiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư vi phạm cam kết về sử dụng kinh phí hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Với vai trò là đơn vị thúc đẩy quá trình triển khai, áp dụng chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, ngành Nông nghiệp tỉnh, cụ thể là Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả chính sách ý nghĩa này tại địa phương.
Nguyễn Văn Dương(Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình)