Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ: "Hôm nay, tôi đã bị choáng ngợp, và việc trong cùng một ngày (ngày xảy ra các cuộc tấn công tại Brussels cách đây một năm - PV), một cái gì đó tương tự lại xảy ra ở London, và chống lại London, thực sự đặt tôi vào tình huống không còn từ nào (...) để nói về những gì tôi cảm nhận một cách sâu sắc". Ông Jean-Claude Juncker cũng đồng thời tuyên bố khẳng định: "Anh sẽ luôn là một đối tác và một người bạn mà chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Tất cả người dân châu Âu sẽ không bao giờ ngừng chứng minh rằng tình yêu sẽ luôn luôn chiến thắng thù hận và khoan dung sẽ luôn luôn chiến thắng nỗi sợ hãi".
Cùng chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết: "Tâm trí của tôi hướng về các nạn nhân của cuộc tấn công Westminster. Châu Âu đứng vững bên nước Anh chống lại chủ nghĩa khủng bố và sẵn sàng hỗ trợ".
Ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May và gửi lời chia buồn của nước Pháp. "Nhân danh nước Pháp, chúng tôi bày tỏ toàn bộ tình đoàn kết và sự hỗ trợ của chúng tôi đối với nhân dân Anh và Thủ tướng Theresa May, người đã ở trong Hạ viện khi vụ việc xảy ra và đã được rời đi nhanh chóng" - Tổng thống Hollande cho biết. Theo nhà lãnh đạo Pháp, "khủng bố ảnh hưởng đến tất cả chúng ta" và Pháp "có thể thấu hiểu những gì người dân Anh đang chịu cực khổ ngày hôm nay". Ông khẳng định cần hành động trên toàn khu vực châu Âu để đối đầu với mối đe dọa khủng bố.
Tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp đã tắt đèn ngay tối 22/3 để tưởng nhớ các nạn nhân tại London. Một chiếc máy bay của hạm đội chính phủ đã tới London ngay trong đêm với gia đình của 3 sinh viên người Pháp bị thương.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định hỗ trợ cho "những người bạn Anh và tất cả người dân London". Trong tuyên bố được đưa ra sau vụ tấn công, bà Merkel nêu rõ: "Mặc dù sâu xa của những hành vi này vẫn chưa rõ ràng song tôi tái khẳng định rằng Đức và các công dân của mình luôn đứng vững và kiên quyết bên người Anh trong cuộc chiến chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố".
Cảnh sát tăng cường trước Cung điệnWestminster ngày 22/3/2017. (Ảnh: Reuters)
Vào ngày kỷ niệm tròn một năm sau vụ đánh bom tại Brussels, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã viết trên trang mạng Twitter: "Lời chia buồn của chúng tôi gửi tới những người đang đau buồn và tất cả những người bị ảnh hưởng tại London. Bỉ luôn bên cạnh Anh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố".
Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Didier Reynders cũng cho biết "bị sốc trước cuộc tấn công khủng bố tại London gây ra nhiều đau khổ cho con người" vào thời điểm đúng tròn một năm sau vụ đánh bom tại Brussels. Ông Didier Reynders khẳng định Bỉ sẽ tiếp tục tham gia ở quy mô quốc tế vào cuộc chiến chung chống khủng bố.
Cùng chia sẻ trên trang mạng twitter, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đã bày tỏ tình đoàn kết với người dân Anh sau vụ tấn công tấn công vừa xảy ra. Theo kế hoạch, ông Bettel đã có cuộc gặp gỡ với người đồng nhiệm Anh Theresa May vào chiều 22/3 song cuộc gặp đã bị hủy bỏ.Trong lời chia buồn gửi tới Thủ tướng Theresa May, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan bày tỏ: "Thổ Nhĩ Kỳ cảm thông và chia sẻ nỗi đau với Anh. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn đoàn kết với người bạn và đồng minh Anh trong cuộc chiến chống khủng bố, vốn là một trong những mối đe dọa chính chống lại hòa bình và an ninh quốc tế".
Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cũng tuyên bố khẳng định: "Italy bên cạnh người dân và chính phủ Anh đối mặt cuộc tấn công nhằm vào trái tim của London và các thể chế dân chủ. Tôi bày tỏ lời chia buồn của chính phủ Italy và của chính tôi tới gia đình các nạn nhân và những người bị thương. Italy và Anh luôn bên cạnh nhau trong việc lên án và phản ứng kiên quyết chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố". Thủ tướng Gentiloni đã dành một phút mặc niệm trước khi bắt đầu cuộc họp với các nghị sĩ.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông đã bị sốc trước những tin tức "kinh khủng" đến từ London. "Tâm trí của chúng tôi hướng về thành phố này. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và chúng tôi đang liên lạc với các nhà chức trách Anh" - Thủ tướng Hà Lan nêu rõ.
Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen tuyên bố: "Tôi lên án cuộc tấn công ngày hôm nay gần Quốc hội Anh và dành sự cảm thông với các nạn nhân và gia đình của họ". Còn Thủ tướng Chancellor Christian Kern thì bày tỏ: "Tâm trí tôi luôn hướng về gia đình của các nạn nhân".
Bộ Ngoại giao Romania cũng ra tuyên bố bày tỏ "lời chia buồn" sau khi vụ tấn công xảy ra gần tòa nhà Quốc hội Anh, đồng thời khẳng định "tình đoàn kết với người dân Anh".
Trên kênh Rossiya 24, người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Chúng tôi gửi lời chia buồn và cảm thông của mình tới tất cả những người đã thiệt mạng. Chúng tôi không hỗ trợ và sẽ không bao giờ hỗ trợ khủng bố. Chúng tôi coi đây là một tội ác cần phải chống lại. Và ngay bây giờ, cũng như mọi khi, trái tim của chúng tôi luôn cùng với người dân Anh và chúng tôi chia sẻ nỗi đau của họ".
Báo chí Anh đồng loạt thông tin về cuộc tấn công ở London. (Ảnh: Huffington Post)
Cùng viết trên trang mạng Twitter, nhiều nhà lãnh đạo khác của các quốc gia châu Âu đều đồng loạt lên án vụ tấn công tại London đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và người dân Anh.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết: "Tây Ban Nha luôn ở bên người dân Anh. Tôi lên án các cuộc tấn công gần Westminster, tại London. Đoàn kết với các nạn nhân".
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã viết: "Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với người dân Anh trước cuộc tấn công một cách mù quáng ngày hôm nay".
Thủ tướng Phần Lan Juha Sipilä cũng đặc biệt "lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng khiếp gần tòa nhà Quốc hội ở London". "Tâm trí của chúng tôi luôn hướng về các nạn nhân và gia đình của họ" - ông khẳng định.
Cùng chia sẻ với "người bạn Anh", Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen bày tỏ "nỗi kinh hoàng trước những hình ảnh của London".
Thủ tướng Nauy Erna Solberg cũng cho rằng: "Kinh khủng khi chứng kiến một cuộc tấn công vào trung tâm của nền dân chủ của Anh".
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda dành "lời chia buồn chân thành đến gia đình của các nạn nhân".
Thêm vào đó, theo ông Sean Spicer, người phát ngôn của Tổng thống Mỹ, nhà lãnh đạo Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May. "Chúng tôi lên án vụ tấn công vào Westminster mà Anh xem là một hành động khủng bố, và chúng tôi hoan nghênh các phản ứng nhanh của cảnh sát Anh" - Tổng thống Trump nhấn mạnh, đồng thời bảo đảm rằng Washington sẵn sàng hỗ trợ London.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gửi lời chia buồn của Mỹ tới gia đình các nạn nhân: "Chúng tôi lên án những hành vi bạo lực khủng khiếp, và chúng đã được thực hiện bởi các cá nhân hoặc những kẻ khủng bố loạn trí…".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố lên án "cuộc tấn công hèn nhát".
Bà Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland, dành những lời chia sẻ tới người dân sống trong và xung quanh Westminster sau "vụ việc khủng khiếp này", đồng thời hoan nghênh "sự dũng cảm" của các đơn vị cứu hộ khẩn cấp.
Thông báo mới nhất của cảnh sát Anh cho hay, tính đến 19h26 ngày 22/3, đã có 4 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát và một nghi phạm tiến hành vụ tấn công, và ít nhất 20 người bị thương. Trong số những người bị thương, có 3 sĩ quan cảnh sát và 3 học sinh người Pháp. Vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại Cung điện Westminster ở thủ đô London chiều 22/3 được cảnh sát nước này gọi là một vụ khủng bố.
Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Anh kể từ sau vụ đánh bom liều chết vào ngày 7/7/2005 do các phần tử ủng hộ al-Qaeda nhận trách nhiệm tiến hành, khiến 56 người thiệt mạng tại London.
Nước Anh hiện đang được đặt trong tình trạng cảnh báo an toàn mức cao thứ hai - mức "nghiêm trọng". Điều này đồng nghĩa với việc xác suất xảy ra các cuộc tấn công tiếp theo được nước này đánh giá là cao.