Thảo luận ở hội trường, các đại biểu cơ bản đánh giá cao những điểm đổi mới mang tính đột phá của dự thảo Bộ luật trong việc đảm bảo quyền của bị can, bị cáo như quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung, quy định quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, quyền tiếp cận hồ sơ của bị can, bị cáo…
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, tố tụng hình sự là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước có nhiệm vụ đấu tranh và xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến danh dự, nhân phẩm, tài sản của người dân. Theo đó, cần bổ sung quan điểm chỉ đạo cụ thể hơn, như việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự lần này phải đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp 2013, của cải cách tư pháp về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời cân nhắc việc sửa đổi các chế định, quy định trong dự thảo bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành án dân sự; với Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là với các quy định mới của Bộ luật hình sự và chi phối các quy định của Bộ luận tố tụng hình sự.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cần quy định rõ quyền của người bị buộc tội "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận là mình có tội" để chống bức cung, nhục hình. Việc khai hoặc không khai và khai báo thế nào được coi là quyền mà không phải là nghĩa vụ của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, do đó họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền này.
Thực tiễn cho thấy, lời khai nhận tội của những người này mà tự nguyện, không bị ép buộc do bức cung, nhục hình là cơ hội để họ ăn năn, hối cải để được hưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước và tạo điều kiện để họ thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ chính mình.
Vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là quy định quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, đa số ý kiến ủng hộ quy định này vì cho rằng, nó sẽ bảo đảm minh bạch, khách quan trong quá trình hỏi cung. Đây cũng sẽ là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên nếu bị nghi can vu cáo cho là bức cung, nhục hình, đồng thời bảo vệ nghi can nếu việc bức cung, nhục hình là có thật, bảo vệ luật sư nếu bị nghi ngờ là suy cho bị can chối tội. Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn về nguồn kinh phí để trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả các cuộc hỏi cung.
Các ý kiến phát biểu cũng bày tỏ đồng tình cao với việc dự án Bộ luật quy định quyền của bị can, bị cáo được phép đọc tài liệu có liên quan tới việc buộc tội mình để chuẩn bị cho việc tự bào chữa. Các đại biểu đánh giá, đây là quy định rất mới so với bộ luật cũ nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc tiếp cận tài liệu phải quy định có 3 điều kiện là bị can, bị cáo không có người bào chữa, thứ 2 là chỉ thực hiện sau khi đã kết thúc điều tra, thứ 3 chỉ được ghi chép và đọc những tài liệu cần thiết liên quan đến việc buộc tội chính bị can, bị cáo chứ không phải là sao chép toàn bộ hồ sơ vụ án, hoặc sao chép những tài liệu không liên quan đến mình.
Và để đảm bảo sự an toàn của tài liệu, hồ sơ thì tài liệu đó phải được phô, tô, số hóa, quản lý theo trình tự nhất định để tránh quá trình đọc nghiên cứu bị tiêu hủy, tránh tình trạng lợi dụng chế định này để kéo dài thời gian đọc nghiên cứu của bị can bị cáo tới vài ba tháng không hết những tài liệu họ cho là liên quan đến họ, thậm chí có cả bị can bị cáo không biết chữ nữa nên cần có những quy định ngặt nghèo về vấn đề này…
Mai Lan