Trả lời câu hỏi về vấn đề quản lý chất lượng, vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắng nhìn nhận, trên thị trường hiện đang lưu hành số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi có chất lượng kém, thậm chí có loại làm giả, buôn lậu ngoài danh mục. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ đã tiến hành điều chỉnh 624 tiêu chuẩn sang TCVN và 29 tiêu chuẩn chuyển sang quy chuẩn, đồng thời xây dựng và công bố mới 38 TCVN trên lĩnh vực đất đai và phân bón; 106 tiêu chuẩn và 40 quy chuẩn trên lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng vật tư, thanh kiểm tra trong phạm vi toàn quốc trên cơ sở luật pháp hiện hành, nhất là Luật thanh tra, Luật giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về việc hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, Bộ trưởng cho hay, những năm vừa qua Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã huy động nhiều nguồn lực để nghiên cứu, chọn tạo các giống mới, trong 5 năm đã có tới 102 giống lúa được phổ biến cho nhân dân.
Đặc biệt, Bộ đã đặt hàng với các Viện nghiên cứu điều chỉnh lại các đề tài nghiên cứu để chọn tạo ra một số giống đạt được tiêu chí có giá trị thương phẩm 500USD - 800USD/1 tấn và có độ bền vững, trồng được từ 10 năm trở lên. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang nghiên cứu chính sách khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, liên kết giữa nông dân và nông dân, liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Về vấn đề xử lý việc phá rừng, trồng cao su, Bộ trưởng cho biết, thực hiện chủ trương sử dụng một số diện tích rừng nghèo kiệt có điều kiện phù hợp để trồng cao su tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc đã trồng được 90.000ha cao su trên đất lâm nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ đã phát hiện tình trạng lạm dụng chính sách để phá rừng nên đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị đình chỉ việc khảo sát và khai phá đất rừng nghèo kiệt.
Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã cùng với các địa phương nghiêm túc kiểm tra và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép triển khai tiếp tục những dự án đã được phê duyệt theo đúng quy hoạch và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về kỹ thuật.
Về chương trình tái canh cà phê, theo Bộ trưởng nước ta hiện có 30% diện tích cà phê đến tuổi phải tái canh. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học tập trung tìm ra một gói kỹ thuật để giúp cho người trồng cà phê có thể tái canh một cách hiệu quả. Đồng thời tham mưu với Chính phủ có một gói tín dụng chính sách để hỗ trợ người nông dân thực hiện tái canh.
Cũng trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã tiến hành trả lời chất vấn của các vị đại biểu tập trung vào giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế; công tác tuyển dụng, đào tạo, cán bộ công chức; biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức Hội…
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc tinh giản biên chế, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, biên chế công chức cả nước là hơn 274.600 nghìn người, tăng 15,09% so với năm 2007; viên chức có trên 1,8 triệu người, tăng 25,59% so với năm 2007.
Nguyên nhân tăng là do các đơn vị mới được thành lập hoặc các đơn vị được bổ sung chức năng, nhiệm vụ; việc thành lập mới các trường học, bệnh viện; các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực Lao động Thương binh Xã hội, Khoa học Công nghệ; Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trong đó, các lĩnh vực tăng nhiều nhất là quản lý đất đai, biển, hải đảo; du lịch; ngoại vụ; dân số kế hoạch hóa gia đình; quản lý thị trường; thuế, hải quan; y tế…
Từ nay đến năm 2016 về cơ bản sẽ không tăng thêm biên chế công chức, viên chức, đồng thời tiếp tục đổi mới quản lý công chức, viên chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm, bố trí phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức từng cơ quan, đơn vị. Hiện tại, Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và sẽ trình Bộ Chính trị trong quý IV năm nay.
Ngoài ra, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 132, tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị cấu thành trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công và thực hiện triệt để cơ chế khoán, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cả cơ quan hành chính Nhà nước và sự nghiệp công lập.
Về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng cho biết, các chính sách cho đồng bào dân tộc rất toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Tuy vậy, tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã chưa cao.
Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu đưa vào mảng chính sách đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với Hội đồng Dân tộc có hướng dẫn để bố trí công việc cho các đối tượng được xét tuyển, cử tuyển là người dân tộc thiểu số; bổ sung hoàn thiện tiêu chí địa bàn được cử tuyển, xét tuyển theo chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Liên quan đến việc chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức, Bộ trưởng cho hay, theo quy định, người được tuyển dụng phải đạt được các tiêu chuẩn về chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học.
Để khắc phục những hạn chế mà các đại biểu đã nêu, thời gian tới, việc tuyển dụng sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng thi công chức, viên chức trực tuyến trên máy vi tính, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương thi cử, thanh tra trước và sau thi để đảm bảo thi tuyển đạt chất lượng.
Về công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức Hội, Bộ trưởng cho biết, các thể chế cho công tác hội đến thời điểm này là tương đối hoàn thiện. Hiện đã có Ban chỉ đạo Trung ương nghiên cứu về hội quần chúng để cùng các bộ, ngành, địa phương đề ra các biện pháp, giải pháp khắc phục, đảm bảo tăng cường sự quản lý Nhà nước cũng như trách nhiệm của các tổ chức Hội trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Quốc Khang