Mở đầu phiên họp buổi sáng, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết. Với 82,15% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương 2017 là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 được giữ ổn định trong suốt thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Trường hợp đặc biệt phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách tác động tăng thu ngân sách địa phương lớn, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 Luật ngân sách nhà nước.
Nghị quyết giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thảo luận về dự án Luật Thủy lợi, đa số các đại biểu cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương là cần thiết.
Đóng góp vào Dự án luật, nhiều đại biểu đề nghị, quy hoạch thủy lợi phải gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chú ý đến đặc điểm của vùng, miền, khuyến khích xã hội hóa đầu tư các công trình thủy lợi, tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn từ các công trình thủy lợi và phải phân định rõ chức năng của Bộ, ngành, địa phương trong quản lý các công trình thủy lợi.
Ngoài ra, các đại biểu cho ý kiến tập trung vào các nội dung như: Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi; về xã hội hóa công tác thủy lợi; chiến lược phát triển thủy lợi; quy hoạch thủy lợi; nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi...
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thủy lợi.
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội họp riêng để thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và nghe Báo cáo về tình hình Biển Đông.
Mai Lan