Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội các ý kiến phát biểu tại các buổi thảo luận đều cơ bản tán thành với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định "không vì mục đích lợi nhuận" là một trong các nguyên tắc hành nghề công chứng, bởi quy định này không khả thi và không phù hợp với thực tế; nếu không vì mục đích lợi nhuận thì sẽ khó thu hút mọi người đầu tư, thành lập văn phòng công chứng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bỏ nội dung "không vì mục đích lợi nhuận" trong các nguyên tắc hành nghề công chứng.
Về tiêu chuẩn công chứng viên (khoản 1 Điều 8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, do công chứng là công việc pháp luật có tính chuyên sâu cao, nên có bằng cử nhân luật là tiêu chuẩn tối thiểu cần phải có để trở thành công chứng viên, tương tự như quy định về tiêu chuẩn đối với luật sư (trong Luật Luật sư), thừa phát lại (trong Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ) hay như đối với quản tài viên - là chức danh mới được quy định trong Luật Phá sản vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua...
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 như đã thể hiện trong dự thảo Luật. Xung quanh Điều 10 quy định về người được miễn đào tạo nghề công chứng, một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về phạm vi những người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng để bảo đảm chất lượng của công chứng viên được bổ nhiệm; bảo đảm trình độ tương đương giữa những người quy định tại điểm a và người quy định tại điểm c...
Có ý kiến đề nghị không nên miễn hoàn toàn việc tập sự hành nghề công chứng cho những người đã được miễn đào tạo nghề này bởi công chứng là một nghề mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi thuần thục nhiều kỹ năng chuyên môn mà những người làm nghề khác không thể tự nắm bắt ngay được.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay là tương đối rộng và quy định này phù hợp với giai đoạn ban đầu của xã hội hóa nghề công chứng, khi số lượng công chứng viên còn ít và công tác đào tạo nghề cũng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy còn nhiều sai phạm trong hoạt động công chứng do những công chứng viên thuộc nhóm được miễn đào tạo nghề công chứng thực hiện.
Do vậy, để bảo đảm tương đương về trình độ cũng như thời gian công tác thực tế giữa các nhóm đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, giới hạn số lượng người được miễn đào tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 theo hướng chỉ miễn đào tạo nghề công chứng cho người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên (tương đương với thời gian tối thiểu là 10 năm công tác tại các cơ quan tư pháp).
Về các quy định giao lại nhiệm vụ công chứng bản dịch cho công chứng viên thực hiện thay vì để các Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực chữ ký người dịch (khoản 1, Điều 2 và Điều 61), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có nhu cầu sử dụng bản dịch có công chứng, tránh việc khi phát hiện sai sót trong bản dịch thì người dân không biết phải tìm ai để yêu cầu bồi thường.
Mặt khác, do phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước người yêu cầu công chứng về bản dịch được công chứng, nên công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ để có thể kiểm soát được chất lượng bản dịch.
Khoản 1, Điều 61 của dự thảo Luật cũng đã quy định rõ, cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện; đây cũng là cơ sở để bảo đảm nâng cao trách nhiệm của người phiên dịch trong quá trình này…
Đối với các nội dung khác, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội. Tiếp đó, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 81 điều. Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Cùng ngày, Quốc hội họp đã có phiên họp riêng thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Quốc Khang