CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2010
a) Các chỉ tiêu kinh tế:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%
Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5% so với năm 2009.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP.
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%
b) Các chỉ tiêu xã hội:
- Số tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở: 63 tỉnh.
- Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 12%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 15%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 17%.
- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,2%o.
- Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 18%.
- Số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27,5 giường.
- Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người là 13,5 m2.
c) Các chỉ tiêu môi trường:
- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh: 83%. Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 84%.
- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 70%.
- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 85%.
- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 80%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 45%.
- Tỷ lệ che phủ rừng: 40%.
Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổ chức theo dõi chặt chẽ, thường xuyên, nâng cao chất lượng "dự báo" tình hình trong nước và quốc tế để chủ động quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định kịp thời những chủ trương và biện pháp thích ứng với tình hình.
Chính phủ cũng cần sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước để hình thành Quỹ kích thích kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển trung hạn và dài hạn, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế với thời gian và mức hỗ trợ thích hợp. Điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để góp phần phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm giá trị đồng tiền.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ áp dụng các biện pháp để phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Hạn chế việc xuất khẩu "thô" và nhập khẩu hàng tiêu dùng không thật thiết yếu để giảm tối đa nhập siêu. Chính phủ cần ban hành chính sách, giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa; khai thác tốt thị trường nội địa, khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm trong nước.
Đặc biệt, Chính phủ cần tăng đầu tư nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn, cho các tỉnh nghèo, miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng bằng các nguồn vốn khác. Chú trọng đầu tư cho dân sinh và kinh tế biển đảo. Tập trung đầu tư, xử lý có hiệu quả các điểm ùn tắc giao thông trọng điểm, tuyến đê kè xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, vùng úng ngập nặng nề thường xuyên...
Theo NDĐT