Hầu hết ý kiến phát biểu đều thống nhất nhận định: Sau 20 năm thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, nước ta đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ, đang từng bước tiếp cận mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cải thiện nhiều, người dân được hưởng dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, hiệu quả, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, độ bao phủ BHYT còn thấp so với mục tiêu đặt ra, mới đạt 67% dân số, trong đó chủ yếu là diện tham gia BHYT y tế bắt buộc, tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT tự nguyện chưa cao, nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa thực hiện việc đóng BHYT cho người lao động; nhóm đối tượng hộ cận nghèo tham gia BHYT còn thấp.
Bên cạnh đó, một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao chưa được vào danh mục thanh toán của BHYT, nên người bệnh dù có thẻ bảo BHYT vẫn phải thanh toán khoản chênh lệch này. Vì vậy, chưa tạo sức hút để người dân chủ động và tự nguyện tham gia BHYT mà chỉ khi nào ốm đau hoặc mắc bệnh nặng, bệnh nan y cần phải chi phí điều trị cao mới tham gia BHYT.
Kiến nghị trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ, thường xuyên các chương trình truyền thông, tuyên truyền về BHYT nói chung và Luật Bảo hiểm y tế nói riêng để người dân hiểu, nhận thức đúng lợi ích của việc tham gia đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, nhất là nhóm lao động phi chính thức, người dân sinh sống ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra cũng cần có cơ chế để người tham gia BHYT được chủ động đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu, kể cả các bệnh viện tư nhân, bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và ý thức phục vụ người bệnh.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng của quỹ BHYT, một số đại biểu đề nghị cần đổi mới cơ chế tài chính, bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước đóng BHYT, tăng dần mức hỗ trợ cho những đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên, nông dân, có cơ chế khuyến khích BHYT tự nguyện, từng bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ phù hợp với nội dung đầu tư và phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh.
Liên quan đến việc lạm dụng bảo hiểm từ cả cán bộ y tế, người có thẻ, nhiều ý kiến đề nghị cần tổ chức phát hành và quản lý thẻ BHYT một cách khoa học, thuận lợi, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác giám định BHYT, đồng thời có chế tài cụ thể để xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện cấp thẻ BHYT. Theo một số đại biểu, thực tế bất cập trong đấu thầu thuốc hiện nay đang tạo nên khó khăn quản lý giá thuốc, lo ngại về chất lượng thuốc, gây lãng phí và nguy cơ tham nhũng cao.
Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét đưa quy định về đấu thầu thuốc BHYT vào dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) để chấn chỉnh, quản lý đấu thầu thuốc, đảm bảo quyền lợi cho người mua BHYT.
Về sử dụng phần kết dư quỹ bảo hiểm y tế, có ý kiến cho rằng, theo Nghị định 62 của Chính phủ thì hiện nay số tiền kết dư gần 13.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng để bổ sung cho những địa phương bội chi.
Tuy nhiên, trên thực tế tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ BHYT thường kết dư cao còn tại các thành phố lớn thì lại bội chi quỹ. Điều này đồng nghĩa với việc người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi khám bệnh cho người giàu.
Do đó, đề nghị về số tiền kết dư cần được đầu tư trở lại cho các địa phương để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, mua sắm phương tiện vận chuyển để người dân được hưởng lợi một cách công bằng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến còn đề nghị bổ sung chi trả BHYT cho một số trường hợp như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thảm họa, và một số bệnh như hiếm muộn, phẫu thuật điều trị khúc xạ để giảm bớt gánh nặng chi phí cho người bệnh đúng theo quan điểm của Đảng và nhà nước ta đã khẳng định chính sách BHYT là giúp cho người dân khi ốm đau không bị rơi vào hoàn cảnh nghèo đói.
Quốc Khang