Trong phiên họp đầu giờ sáng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản, sau đó thảo luận ở hội trường về dự án luật này.
Thảo luận tại hội trường, đã có 20 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các đại biểu đã tham gia nhiều vào nội dung của dự án luật, như: tiêu chuẩn đấu giá viên, đào tạo nghề đấu giá, hình thức hành nghề của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, trình tự thủ tục đấu giá tài sản, các hành vi bị cấm, trách nhiệm và chế tài xử lý trách nhiệm khi có vi phạm; về tính thống nhất giữa các nội dung của dự án Luật đấu giá tài sản với hệ thống pháp luật, tránh tình trạng xung đột pháp lý của dự án luật này với các luật khác, đặc biệt như Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật phá sản, Luật thi hành án và một số luật khác...
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng Dự thảo luật lần này có tính đột phá, để ngăn chặn tình trạng thông đồng trong quá trình quản lý đấu giá bán tài sản. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, an toàn, các đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, hành vi cấm trong phiên đấu giá tài sản.
Có đại biểu đề nghị không nên thành lập trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, bởi lẽ cơ quan quản lý Nhà nước là cơ quan quản lý bán tài sản mà giờ lại thành lập ra cơ quan bán tài sản thì có nghĩa "mình quản lý mình". Điều này giống như "vừa đá bóng, vừa thổi còi", không khách quan...
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề có liên quan đến dự án Luật đấu giá tài sản như: những vấn đề liên quan đến nội dung tài sản bán đấu giá; về quan hệ của Luật đấu giá tài sản với các luật khác; các quy định liên quan đến đào tạo nghề, đến tiêu chuẩn nghề; về trình tự, thủ tục bán đấu giá; về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác; về việc chuyển đổi trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản...
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo hoàn thiện Dự án luật. Riêng về nội dung đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu còn ý kiến khác nhau lớn. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban thư ký của Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua luật.
Buổi chiều, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIII). Theo kế hoạch, sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Mai Lan