Thảo luận về dự án Luật đường sắt (sửa đổi), đa số các đại biểu cho rằng, hiện nay có thể nói hệ thống vận tải của Việt Nam đang chủ yếu là đường bộ, tiềm năng của đường sắt và đường thủy khai thác thấp. Luật đường sắt 2005 đã bộc lộ một số bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động.
Vì vậy, việc sửa đổi, xây dựng ban hành Luật đường sắt mới là hết sức cần thiết. Song nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật đường sắt 2005 cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, tránh sai sót.
Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật đường sắt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, chất lượng và tính khả thi của dự thảo lần này rất thấp, nếu không muốn nói là tính áp dụng còn kém hơn cả luật cũ.
Do việc loại bỏ một số nội dung quy định tương đối cụ thể, chi tiết ở luật cũ, nhiều nội dung giao cho Chính phủ hoặc bộ, ngành ban hành nghị quyết, quyết định thông tư để cụ thể hóa, dẫn tới những quy định ở dự thảo luật mới không còn tính quy phạm pháp luật, thậm chí không có nội dung.
Đại biểu dẫn chứng: Luật cũ có 18 điều trên tổng số 118 điều phải chờ Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ban hành nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, luật sửa đổi thì có 37 điều trên tổng số 95 điều phải chờ Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ban hành nghị định, quyết định, thông tư. Bên cạnh đó, có thêm 20 điều trong dự thảo có nội dung được dẫn chiếu bằng cụm từ theo quy định của pháp luật. Như thế không rõ ràng và thiếu minh bạch, dẫn tới thể hiện đây mới chỉ là luật khung và luật "ống.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, về đường sắt đô thị Chương VII và đường sắt tốc độ cao Chương VIII, cần quy định cụ thể các nội dung để đảm bảo cho việc quản lý và hoạt động của hai loại đường sắt này như quy định của đường sắt quốc gia.
Ngoài ra, trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số nội dung trong dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) như: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; Nguyên tắc trong hoạt động đường sắt; chính sách phát triển đường sắt; ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt; đường sắt đô thị; đường sắt tốc độ cao; Quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt; Điều hành giao thông vận tải đường sắt; biểu đồ chạy tàu; an toàn giao thông đường sắt; bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; kinh doanh vận tải đường sắt; vấn đề phí, giá trong kinh doanh đường sắt.
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đã giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật đường sắt (sửa đổi).
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về việc "Thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam", đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu.
Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết; về bố cục của dự thảo Nghị quyết; Tính khả thi của dự thảo Nghị quyết (về vấn đề quốc phòng, an ninh - phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự; về hạ tầng trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ và nhân lực; về thời điểm thực hiện việc thí điểm...); thời hạn của thị thực điện tử; cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực điện tử; phí xét cấp thị thực điện tử; thời hạn thí điểm cấp thị thực điện tử…
Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu.
Thảo luận về dự án Luật du lịch (sửa đổi), đã có 19 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Về sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch; bố cục của dự thảo Luật; Chính sách phát triển du lịch; các hành vi bị nghiêm cấm; Sự cần thiết thành lập, nguồn kinh phí, quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; điều kiện kinh doanh, hồ sơ, thủ tục cấp phép kinh doanh lữ hành; phân biệt lữ hành nội địa, lữ hành quốc tế; Về đào tạo, tiêu chuẩn, việc quản lý hành nghề hướng dẫn viên du lịch; tiêu chuẩn xếp hạng, thủ tục thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; quản lý nhà nước về du lịch; thanh tra chuyên ngành về du lịch; về sự cần thiết thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến du lịch; việc bổ sung, quy định cụ thể hơn về nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ môi trường du lịch; bảo đảm an toàn cho khách du lịch; xử lý nghiêm các vi phạm về du lịch; phát triển thương mại điện tử du lịch; phát triển du lịch ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đô thị du lịch; du lịch biển đảo; du lịch sinh thái; du lịch mạo hiểm; du lịch khám, chữa bệnh; du lịch tâm linh; một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp và việc giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật.
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật du lịch (sửa đổi).
Trong ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 6, Điều 30 và toàn bộ Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Mai Lan