Đa số ý kiến đều thống nhất nhận định: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý rất cầu thị, công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, rất khẩn trương và có chất lượng cao. Đây là sản phẩm của trí tuệ, tình cảm, niềm tin, khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với Hiến pháp, một đạo luật gốc, đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, trên thế giới các nước dù theo chính thể nào cũng đều có đảng chính trị và liên minh chính trị, việc một quốc gia có một hay nhiều đảng chính trị là do lịch sử và đặc điểm riêng của mỗi quốc gia.
Ở nước ta vai trò của Đảng cộng sản đã được thực tiễn chứng minh và nhân dân khẳng định, suy tôn thì tất yếu phải quy định vai trò của Đảng trong Hiến pháp. Do đó, việc Điều 4 của Dự thảo quy định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật… là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự tiếp tục kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta; phù hợp với truyền thống lịch sử của cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhằm khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng.
Đối với quy định về chính quyền địa phương, đại biểu cho rằng, có nhiều thiết chế để đảm bảo thực hiện quyền dân chủ của nhân dân nhưng quyền được quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, quyền giám sát, quyền bầu ra HĐND là những quyền quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cho thấy đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương có đủ HĐND và UBND. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Dự thảo cần quy định rõ tổ chức chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND ở cả 3 cấp. Đối với những đơn vị hành chính đặc biệt, hải đảo sẽ tổ chức chính quyền linh hoạt theo luật định.
Cụ thể khoản 1, Điều 114 cần viết lại như sau: "UBND do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Đối với đơn vị hành chính đặc biệt, đơn vị hành chính là hải đảo, UBND được thành lập theo luật định". Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị trong thời gian tới cần tập trung sửa đổi luật tổ chức HĐND và UBND; luật bầu cử HĐND; luật ngân sách nhà nước năm 2002; ban hành luật giám sát của HĐND; đổi mới vai trò lãnh đạo, giám sát của cấp ủy, chức năng nhiệm vụ của cấp ủy đảng cùng cấp cho phù hợp với định hướng đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời làm rõ mối quan hệ với MTTQVN để HĐND và đại biểu HĐND phát huy vai trò, trách nhiệm, hoạt động chất lượng và hiệu quả hơn.
Xung quanh quy định về thu hồi đất (Điều 54) nhiều ý kiến cho rằng, đất nước ta trong giai đoạn phát triển hiện nay thì việc thu hồi đất để phục vụ yêu cầu phát triển là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, nếu quy định thu hồi đất để thực hiện "các dự án phát triển kinh tế - xã hội" như dự thảo sẽ dễ bị lạm dụng và không được ổn định lâu dài. Đề nghị Khoản 3, Điều 54 chỉ nên quy định nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Quy định như vậy vừa ngắn gọn, vừa bao quát được nội hàm về kinh tế - xã hội trong lợi ích quốc gia, công cộng và phù hợp với quá trình hội nhập phát triển kinh tế đất nước. Một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về quy định tại Khoản 5, Điều 74, giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thẩm quyền lãnh đạo công tác của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, bởi lẽ quy định như vậy dễ làm hạn chế tính đại diện, tính độc lập, chủ động của các cơ quan của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội và làm hành chính hóa bộ máy của Quốc hội. Đề nghị nên giữ nguyên như quy định của Hiến pháp hiện hành đó là "Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội".
Theo nhiều đại biểu, việc bảo vệ Hiến pháp là một yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, phù hợp với nguyên tắc kiểm soát quyền lực đã được xác định trong Cương lĩnh và các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, XI. Tuy nhiên, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó đề nghị không nên bổ sung quy định về Hội đồng Hiến pháp mà cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban pháp luật và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.
Quốc Khang