Đa số ý kiến đều cho rằng, dự thảo lần này đã được hoàn thiện một bước trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên một số nội dung của dự thảo vẫn còn chung chung, chưa rõ, nhất là những nội dung liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu; tiêu chí xác định lãng phí; cơ chế công khai, minh bạch… cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.
Về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo luật chỉ nên quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) đối với khu vực Nhà nước, không quy định đối với khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài nhà nước và tiêu dùng của nhân dân vì lãng phí xảy ra và gây bức xúc trong xã hội chủ yếu trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Ngoài ra, việc quy định THTK, CLP trong Luật đối với khu vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân đòi hỏi Nhà nước phải kiểm soát, điều chỉnh các hoạt động này, điều này có thể dẫn đến hạn chế quyền sở hữu về tài sản của các tổ chức, cá nhân.
Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định rõ hơn trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp, liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về THTK, CLP; trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về THTK, CLP thuộc thẩm quyền; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
Ngoài ra cần bổ sung vào Dự thảo trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật THTK, CLP để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý.
Theo một số đại biểu, cần mở rộng các lĩnh vực công khai minh bạch việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, kiểm toán trong THTK, CLP. Đặc biệt là các quỹ do nhân dân đóng góp hoặc quỹ phúc lợi xã hội như Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; Quỹ Bảo hiểm xã hội; Quỹ Bảo hiểm y tế; Quỹ Vì người nghèo...
Về trách nhiệm của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên, một số ý kiến cho rằng, trên thực tế hệ thống cống, rãnh thoát nước đường liên thôn, liên xã và các công trình công cộng đầu tư trên địa bàn dân cư đã giao thẩm quyền cho Ban giám sát đầu tư của tổ dân phố, thôn, bản giám sát. Nhưng thẩm quyền này của họ chưa được các nhà đầu tư tôn trọng.
Tình trạng đầu tư chất lượng kém, hiệu quả sử dụng đem lại không cao, không tương xứng với ngân sách nhà nước hoặc tiền xã hội hóa của nhân dân vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi. Do đó đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm một điều làm rõ hơn vai trò của Ban giám sát đầu tư tại cộng đồng dân cư và Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn.
Theo một số đại biểu, cần bổ sung quy định về THTK, CLP trong ban hành cơ chế chính sách, nhất là phải quy định rõ cơ quan soạn thảo tham mưu đề xuất và cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách, quyết định đầu tư, ban hành các tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí thì phải bồi thường.
Bởi lẽ nếu cơ chế chính sách khi ban hành không phù hợp thì quá trình triển khai thực hiện sẽ gây thiệt hại lãng phí rất lớn, có trường hợp không lượng hóa được làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị cần quy định cụ thể về tiêu chí xác định hành vi gây lãng phí và cơ chế xử lý đối với các hành vi gây lãng phí trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động...
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và Dự thảo Luật hải quan (sửa đổi).
Quốc Khang