Hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động điện lực, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hạ tầng điện lực và đảm bảo an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, có một số quy định trong Dự thảo Luật vẫn còn chung chung thiếu cụ thể, cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và chỉnh lý cho thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, cần tham khảo các quy định có liên quan trong một số dự thảo luật sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ 3, đặc biệt là Dự thảo Luật giá.
Về chính sách giá điện, đa số ý kiến cho rằng, điện là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước. Vì vậy, giá bán điện cần thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện, đồng thời khuyến khích, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành điện cũng như tạo động lực để thúc đẩy việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Theo một số đại biểu, ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp Nhà nước độc quyền chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền. Mặt khác, điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, KT-XH của cả nước. Vì vậy, Nhà nước cần quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.
Đối với quy định về cơ cấu giá điện, nhiều ý kiến cho rằng, các yếu tố thành phần hình thành giá điện chưa được thể hiện trong Dự thảo Luật. Đề nghị phải được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát và nên công khai việc cơ cấu giá điện ngay trong hóa đơn trả tiền điện của khách hàng sử dụng điện, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng kiểm soát được chi phí của mình khi sử dụng điện.
Về chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực, nhiều ý kiến cho rằng, chu kỳ một quy hoạch chuyên ngành nói chung phải là 10 năm và có tầm nhìn cho ít nhất 10 năm sau đó. Như vậy, nên quy định chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên là 10 năm và có định hướng 10 năm tiếp theo. Mặt khác, quy hoạch phát triển điện lực cũng phải đồng bộ với chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của địa phương.
Có ý kiến đề nghị quy định trong dự thảo Luật, Nhà nước quản lý hạ tầng ngành điện (trạm phát, hệ thống phân phối…), quản lý đầu tư, chi phí sản xuất của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam nhằm kiểm soát thất thoát trong quá trình cấp điện.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể biểu quyết thông qua các dự thảo Luật Giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định Tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quốc Khang