Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã bao quát khá đầy đủ các nội dung có liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi dự thảo cần làm rõ hơn nội hàm của công tác phòng ngừa thiên tai bảo đảm nguyên tắc lấy phòng là chính; trách nhiệm dự báo, cảnh báo thiên tai, đánh giá tác động của thiên tai; căn cứ xây dựng phương án ứng phó; tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật đối với các phương án ứng phó; thẩm quyền huy động nguồn lực, huy động lực lượng vũ trang khi sảy ra tình trạng khẩn cấp về thiên tai…
Về nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai (Điều 4), đa số ý kiến thống nhất nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong công tác phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằngcác loại hình thiên tai rất đa dạng nên không phải việc phòng, chống đối với loại hình thiên tai nào Nhà nước cũng giữ vai trò chủ đạo mà cần phát huy sức mạnh của toàn dân, của toàn xã hội.
Do đó,đề nghị bổ sung nội dung "phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; dựa trên sự hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau và sự viện trợ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, ưu tiên các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương" vàonguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai.
Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai (Điều 5), có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về chính sách bảo hiểm thiên tai, trong đó chú ý quan tâm đến đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thiên tai, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ở vùng thường xuyên có thiên tai.
Đối với Quỹ phòng chống thiên tai, nguồn đóng góp tự nguyện cho phòng, chống thiên tai(Điều 10, Điều 11), đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (đoàn Ninh Bình) bày tỏ sự đồng tình cao với quy định thành lậpQuỹ phòng, chống thiên tai, trong đóngân sách nhà nước giữ vị trí chủ đạo.
Trên cơ sở đó, đề nghị Dự thảo cần quy định rõ về nguồn ngân sách nhà nước chi hàng năm cho phòng, chống thiên tai và việc phân bố nguồn ngân sách cho hoạt động phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, đại biểu cũngđề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định về việc thành lập, nguyên tắc, cơ chế đóng góp; phương thức xác định, mức đóng góp của từng loại đối tượng; quy định các đối tượng được miễn trừ đối với các vùng thường xuyên chịu thiệt hại do thiên tai, vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn…
Đối với các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần quy định thêm việc giao trách nhiệm giám sát về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cho HĐND các cấp.
Bởi lẽ để phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai có hiệu quả, HĐND phải được bàn và phê chuẩn về quy hoạch, kế hoạch phòng, tránh thiên tai, lồng ghép nội dung phòng, tránh thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra nên bổ sung quy định để phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền về hậu quả của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, ý thức chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai ở địa phương.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi).
Trước đó, trong phiên họp toàn thể ngày 5/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội; dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp.
Quốc Khang