Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật này. Báo cáo giải trình khẳng định, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) gồm 10 phần, 41 chương, 509 điều đã được thảo luận kỹ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Những nội dung chỉnh lý đã nhận được sự đồng tình của các đại biểu; trong đó có quy định Viện Kiểm sát không thực hành quyền công tố; khởi tố, chỉ kiểm soát hoạt động tư pháp theo Hiến pháp và Luật kiểm sát; đề cao trách nhiệm kiểm sát viên; xét xử theo thủ tục rút gọn, tiếp thu, chỉnh lý như quy định về nhận đơn khởi kiện bằng thư điện tử, trực tuyến, đơn giản thủ tục hành chính.
Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), đa số ý kiến nhất trí với quan điểm mới được đưa ra trong dự thảo lần này là "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng" và cho rằng việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân như vậy là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là "cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp" và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Quy định này nhằm khắc phục một bất cập rất lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay, thể hiện rõ quan điểm đổi mới và tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, để phòng ngừa xu hướng đương sự lợi dụng quy định này để khởi kiện ra tòa, các đại biểu đề nghị luật cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh, nhất là phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình thì tòa án mới xem xét thụ lý. Đồng thời luật cần xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp tòa bác đơn kiện.
Về vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, theo một số đại biểu: Hiến pháp và pháp luật từ trước đến nay luôn xác định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Để thực hiện nhiệm vụ này, Viện Kiểm sát có trách nhiệm phát hiện, nêu rõ mọi vi phạm pháp luật của các chủ thể trong việc giải quyết vụ án. Đồng thời thể hiện rõ quan điểm về việc xử lý các vi phạm đó.
Như vậy, pháp luật không giới hạn phạm vi kiểm soát, phạm vi phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát về nội dung giải quyết vụ án và việc chấp hành pháp luật tố tụng.
Đồng tình với quy định trong Dự thảo bộ luật về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, các đại biểu nhận định, đây là quy định mới, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những loại hòa giải nào được công nhận bởi Tòa án cũng như quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý quyết định công nhận hòa giải ngoài Tòa án.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định về việc tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ.
Theo các đại biểu: Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Để cụ thể hóa quy định này trong tố tụng dân sự thì cần thiết phải quy định trong bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) về quyền tiếp cận, công khai chứng cứ giữa các bên đương sự, bảo đảm tăng cường sự công khai, minh bạch, tạo điều kiện tốt hơn cho các bên đương sự thực hiện quyền tranh tụng của mình và bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Tuy nhiên, các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự cần bảo đảm nhanh, gọn để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, tránh hình thức, gây tốn kém cho họ, cũng như tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ việc...
Mai Lan