Nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tránh lãng phí, thất thoát và phục vụ cho quá trình thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), một số đại biểu đề nghị cần làm rõ phạm vi điều chỉnh giữa dự án Luật và một số Luật khác như Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm phân biệt các vấn đề sở hữu và quản trị doanh nghiệp. Trong đó vấn đề sở hữu nên quy định tại dự thảo Luật này, còn nội dung về quản trị doanh nghiệp cần được quy định tại dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi).
Một số đại biểu băn khoăn về khái niệm "vốn nhà nước tại doanh nghiệp" của dự thảo còn chung chung, chưa rõ ràng, đề nghị cần làm rõ khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp có bao gồm các khoản tín dụng do nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp không, vì khái niệm "vốn nhà nước" nêu tại Luật đấu thầu và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều bao gồm nguồn vốn này.
Về khái niệm "vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp" và "vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác", nhiều ý kiến cho rằng, thực chất hai khái niệm này có sự tương đồng, đều do đại diện chủ sở hữu nhà nước đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc từ các quỹ tài chính tập trung của nhà nước vào doanh nghiệp và chỉ khác biệt là đầu tư vào doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hay đầu tư vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên. Do đó, đề nghị chỉ nên thống nhất quy định đều là "vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp" tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tế.
Liên quan đến phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (Điều 8), nhiều ý kiến cho rằng việc phân định các chức năng sản xuất, kinh doanh và hoạt động công ích của doanh nghiệp là cần thiết, nhằm đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là không thể viện dẫn các trách nhiệm chính trị - xã hội mà doanh nghiệp phải gánh vác làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên dự thảo Luật chủ yếu đề cập đến loại hình doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa đề cập đến các doanh nghiệp hoạt động công ích.
Đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định đối với doanh nghiệp hoạt động công ích theo hướng "Chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của doanh nghiệp phải được đổi mới và thay thế bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, được hạch toán theo cơ chế thị trường" theo Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Đề án "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước".
Đối với quy định về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác, có ý kiến đề nghị cần Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ cũng như chế tài xử lý người đại diện khi không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao hoặc để xảy ra các vi phạm, gây tổn thất tài sản nhà nước tại doanh nghiệp khác, đồng thời bổ sung quy định cụ thể về đánh giá hiệu quả hoạt động của người đại diện.
Theo một số đại biểu, hiện nay hiệu lực, hiệu quả giám sát đối với hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa cao, cả về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về nội dung này bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở tôn trọng cơ chế thị trường, tạo sự phân công, phân cấp giữa Quốc hội, các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, người đại diện trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước. Việc giám sát cần gắn với việc phân loại, đánh giá doanh nghiệp, khuyến khích nâng cao chất lượng quản trị, năng lực cạnh tranh, công khai, minh bạch thông tin, phù hợp với môi trường hội nhập.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).
Quốc Khang