Đa số các ý kiến đều thống nhất cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã phát sinh những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp là cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, bởi vì đa số cấp xã không đủ năng lực làm quy hoạch nên quy hoạch cấp xã chỉ mang tính hình thức, hiệu quả không cao. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, thậm chí đầu cơ chiếm đất, lãng phí đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung quy định trưng cầu ý kiến người dân khi xây dựng quy hoạch, thông qua những phương thức phù hợp như lấy phiếu, sử dụng mạng xã hội..., đồng thời phải có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan để quy hoạch có tính liên vùng, tận dụng được kết cấu hạ tầng của các địa phương, tránh xung đột quan điểm phát triển.
Về cơ chế thu hồi đất, nhiều ý kiến tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về các hình thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống.
Liên quan đến các quy định về giá đất, một số đại biểu cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành khung giá, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất cụ thể trên địa bàn, có hiệu lực 5 năm; khi giá trên thị trường biến động từ 20% trở lên, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét điều chỉnh bảng giá… Việc định giá đất để bồi thường cho người sử dụng đất được xác định theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, có tính đến công sức đầu tư, bồi bổ của người sử dụng đất, nhưng không tính phần giá trị tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước, vì phần này không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị dự thảo cần bổ sung quy định việc điều tiết chênh lệch giá đất trước và sau khi thu hồi theo hướng Nhà nước để lại một phần thỏa đáng trực tiếp đầu tư vào cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội ngay tại khu có đất bị thu hồi.
Về thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng để sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng thời hạn giao đất 50 năm cho các hộ gia đình và cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp là phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Theo một số đại biểu, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất đặc biệt, gắn bó mật thiết với người nông dân, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm ổn định đời sống, tạo việc làm, ổn định xã hội. Vì vậy, cần phải quy định hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất để khuyến khích việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra hiệu quả sản xuất cao hơn nhưng cũng hạn chế tích tụ đất đai quá lớn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nên xem xét, bổ sung quy định khuyến khích tích tụ đất đai thông qua việc hình thành các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Đối với các quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đa số ý kiến đề nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi Điều 264 của Luật tố tụng hành chính nhằm giảm bớt cấp hành chính trong việc giải quyết tranh chấp đất đai và bảo đảm sự thống nhất với quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, khi phát sinh khiếu nại đã có quyết định giải quyết lần hai thì người khiếu nại thực hiện khởi kiện tại Tòa án nhân dân.
Ý kiến khác cho rằng, do tính đặc thù của đất đai nên cần phải có các quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp và khiếu nại riêng. Đề nghị cần thành lập cơ quan tài phán hành chính về đất đai. Tranh chấp đất đai nếu hòa giải không thành thì Tòa án nhân dân giải quyết, vì đây là tranh chấp dân sự. Khiếu nại lần 1 do cơ quan hành chính giải quyết, lần 2 do Tòa hành chính giải quyết chứ không để lựa chọn hoặc tòa hành chính hoặc cơ quan hành chính cấp trên giải quyết rất phức tạp và kéo dài.
Quốc Khang