Hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc sửa đổi Luật công chứng là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, bảo đảm tính thống nhất với các luật khác như Luật đất đai, Bộ luật dân sự, Luật nhà ở, cũng như chủ trương gia nhập Liên minh công chứng quốc tế.
Về phạm vi công chứng, nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng phạm vi hoạt động của công chứng viên và cho phép người dân được lựa chọn việc chứng nhận bản dịch tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại Phòng tư pháp quận, huyện. Điều này sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và giảm tải cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện chứng thực bản dịch.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định người dân được lựa chọn giữa việc công chứng bản dịch giấy tờ tại các tổ chức hành nghề công chứng và chứng thực bản dịch tại Phòng tư pháp cấp huyện thì vô hình trung lại tiếp tục thừa nhận sự thiếu rành mạch trong việc xác định giá trị pháp lý cũng như phạm vi giữa hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực.
Liên quan đến quy định về công chứng bản dịch, có ý kiến cho rằng, quy định công chứng viên phải chứng nhận tính xác thực của bản dịch là chưa có cơ sở thuyết phục và thiếu tính khả thi. Bởi lẽ công chứng viên không được đào tạo về trình độ, chuyên môn dịch thuật nên chất lượng bản dịch phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của người dịch.
Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng, người dịch thuật và công chứng viên đối với nội dung bản dịch để quy định cho phù hợp hơn.
Một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn đối với quy định cho phép các bên tham gia giao dịch yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành ngay giao dịch đã được công chứng. Bởi trong quá trình thực hiện giao dịch, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch có thể đã bị thay đổi nên việc quy định cho phép yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành ngay mà không thông qua cơ chế tài phán là rất khó khả thi. Đề nghị chỉ nên áp dụng quy định này đối với một số loại giao dịch đã xác định rất rõ nghĩa vụ phải thực hiện và không có tranh chấp phát sinh.
Theo nhiều đại biểu, trên thực tế nhu cầu về hoạt động công chứng trong dân cư có sự khác biệt giữa các vùng miền, do đó đề nghị tại các địa bàn nông thôn xa trung tâm, vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.... cần phải duy trì các Phòng công chứng nhà nước. Ngược lại, tại các địa phương tập trung đông dân cư, có nhu cầu cao về công chứng thì nên có cơ chế xã hội hóa khuyến khích thành lập các Văn phòng công chứng.
Tuy nhiên do công chứng là một loại hình dịch vụ công, công chứng viên do Nhà nước bổ nhiệm, đồng thời đây lại là hoạt động đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao, nên việc xã hội hóa cũng cần phải có lộ trình phù hợp.
Đối với việc chuyển đổi các Phòng công chứng hiện có thành Văn phòng công chứng, có ý kiến cho rằng Phòng công chứng từ khi ra đời đến nay hoạt động rất hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc quản lý nhà nước đối với các giao dịch dân sự, hành chính, kinh tế...
Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu đánh giá đúng thực chất về vai trò của các Phòng công chứng để có quy định phù hợp; trước mắt không nên giải thể hoặc chuyển đổi hoàn toàn các Phòng công chứng này.
Một số ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc quy định thẩm quyền công chứng khá rộng cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong khi người thực hiện việc công chứng chỉ là viên chức lãnh sự, ngoại giao có bằng cử nhân luật hoặc được bồi dưỡng về nghiệp vụ công chứng thì sẽ khó bảo đảm tính chính xác và chất lượng của hoạt động công chứng.
Bên cạnh đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu nại thì cũng khó xác minh, giải quyết vì những người yêu cầu, người thực hiện việc công chứng đều ở nước ngoài. Kiến nghị Bộ tư pháp phối hợp với Bộ ngoại giao cần báo cáo tổng kết thực tiễn về vấn đề này; trong trường hợp giao thẩm quyền này cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì cần có quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục thực hiện.
Trước đó trong phiên họp toàn thể vào buổi sáng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và thông qua Nghị quyết về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ.
Quốc Khang