Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở tổ cùng các đoàn Bắc Kạn, Cà Mau, Phú Yên. Các ý kiến phát biểu đều thống nhất cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trước Quốc hội, HĐND, trước cử tri cả nước; giúp những người này biết rõ hơn sự đánh giá, nhìn nhận của đại biểu Quốc hội, HĐND về mức độ tín nhiệm đối với mình trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, qua đó có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động.
Các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến làm rõ một số vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục, đối tượng, thời gian lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm…
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm của HĐND, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cho rằng cần làm rõ khái niệm "lấy phiếu đối với các thành viên khác của UBND" tại khoản b, Điều 1 để đảm bảo tính thống nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, nên lấy phiếu tín nhiệm với cả Trưởng các Ban kiêm nhiệm, các Phó trưởng Ban chuyên trách của HĐND và các Giám đốc sở.
Đại biểu cũng đồng tình với việc giữ 3 mức đánh giá (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) như trong dự thảo vì cho rằng lấy phiếu khác bỏ phiếu. Bỏ phiếu để quy trách nhiệm pháp lý một cá nhân cụ thể thì phải quy định 2 mức rất rành mạch, còn lấy phiếu chỉ để đánh giá, nắm thông tin cán bộ nên 3 mức là hợp lý.
Việc lấy phiếu là một cơ sở để bỏ phiếu nên không thể quy định 2 mức, nhất là thông tin về người được lấy phiếu nếu không đầy đủ, cảm tính sẽ không công bằng với người được lấy phiếu. Ngoài ra, việc quy định 3 mức sẽ thực hiện tốt mục đích là làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Liên quan đến thời hạn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, một số ý kiến đề nghị mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND nên tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (kỳ họp cuối năm thứ 3), làm như vậy sẽ gắn với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ, không gây áp lực, để cán bộ mạnh dạn "dám nghĩ, dám làm", từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Ngoài ra, với khoảng thời gian này, người được lấy phiếu tín nhiệm cũng có thời gian, điều kiện để tự soi mình, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì phải tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay, không nên để đến kỳ họp sau.
Ý kiến khác lại cho rằng, để phục vụ cho đánh giá cán bộ trong nhiệm kỳ nên lấy tối thiểu 2 lần, vì nếu đầu kỳ người giữ chức vụ chưa thể hiện được gì nhiều, còn cuối kỳ lại ít có cơ hội cho họ điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Đối với cán bộ viên chức, cấp thứ trưởng trở xuống việc đánh giá xếp loại là hằng năm, còn nếu cấp cao từ bộ trưởng trở lên mà cả 5 năm 1 lần là quá ít.
Về hệ quả đối với người được Quốc hội, HĐND đánh giá "Tín nhiệm thấp", nhiều ý kiến đề nghị trong trường hợp người lấy phiếu tín nhiệm có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì nên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay chứ không nên quy định là trên hai phần ba tổng số đại biểu như dự thảo. Ngoài ra, có ý kiến còn đề nghị nếu phiếu "tín nhiệm thấp" chiếm quá nửa thì nên xem xét giải quyết bằng các biện pháp khác như thay đổi vị trí công tác, sắp xếp cho phù hợp với khả năng, trình độ…
Trước đó, trong phiên họp toàn thể vào buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.
Quốc Khang