Các đại biểu thảo luận ở tổ cùng với đoàn Ninh Bình.
Đa số ý kiến đều thống nhất nhận định: Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đồng thời tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo của Đảng, thành phần kinh tế, chính quyền địa phương, hoạt động của Quốc hội…
Về tên nước (Điều 1), các ý kiến cho rằng nên giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ngoài ra, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng.
Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4), Đại biểu Trần Đại Quang (đoàn Ninh Bình) cho rằng quy định về Đảng trong Dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).
Đó là: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự tiếp tục kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta; phù hợp với truyền thống lịch sử của cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Tuy nhiên cần quy định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhằm khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đó, đối với quy định tại khoản 2, Điều 11, cần bổ sung cụm từ "âm mưu" trước cụm từ "hành vi chống lại độc lập dân tộc…" Bởi lẽ, Tổ quốc là thiêng liêng nên dù những kẻ có âm mưu hay hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều phải bị nghiêm trị. Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung cụm từ "công nghiệp an ninh" vào Điều 68, bởi trong thực tế công nghiệp an ninh đã ra đời và tồn tại từ rất lâu, hiện đang phát huy tác dụng đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, hiện nay, các thế lực thù địch và bọn tội phạm đang triệt để lợi dụng công nghệ hiện đại để chống phá nhà nước, chế độ ta, gây mất an ninh trật tự xã hội. Để có những thiết bị hiện đại, chuyên dùng trang bị cho lực lượng an ninh đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội rất cần phải có nền công nghiệp an ninh vững mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (đoàn Ninh Bình) bày tỏ sự đồng tình cao với việc tách quy định tổ chức công đoàn ra một điều riêng như Dự thảo để khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong lịch sử cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại biểu cũng đề nghị nên bổ sung thêm cụm từ "kiểm tra, thanh tra" trước cụm "giám sát" nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.
Về thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách (khoản 4 Điều 70), đại biểu Đinh Trịnh Hải (đoàn Ninh Bình) cho rằng, Nhà nước ta là thống nhất, tài chính nhà nước và ngân sách nhà nước là thống nhất. Vì vậy, việc giao thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước cho Quốc hội là phù hợp với vị trí, vai trò và tính chất của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Ngoài ra, trong thực tế, việc giao thẩm quyền này cho Quốc hội cũng không hạn chế quyền tự chủ của địa phương trong vấn đề ngân sách và cũng không có gì vướng mắc trong công tác điều hành phân bổ ngân sách.
Đối với quy định về các thành phần kinh tế (khoản 1, Điều 51), nhiều ý kiến cho rằng trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Do đó, đề nghị ngoài việc quy định rõ nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế thì cần phải hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Quy định như vậy sẽ thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo một số đại biểu, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Do đó nhiều ý kiến đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp để thực hiện "các dự án phát triển kinh tế - xã hội". Bởi vì, bản thân các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều trường hợp cũng đã được thể hiện khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các báo cáo và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Tờ trình về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Tin, ảnh: Quốc Khang