Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Đoàn Ninh Bình), kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, để nâng mức độ bao phủ, cần phải quy định áp dụng BHXH bắt buộc đối với tất cả những người lao động có giao kết hợp đồng bằng văn bản. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức và nông nghiệp rất lớn (chiếm khoảng 70% lực lượng lao động) nên cần thiết đưa các đối tượng này vào diện BHXH bắt buộc. Đại biểu cũng tán thành việc áp dụng chế độ BHXH bắt buộc đối với học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng với các nhóm đối tượng khác cũng đang hưởng sinh hoạt phí hoặc phụ cấp, đề nghị dự thảo bổ sung quy định cán bộ không chuyên trách cấp xã cũng thuộc đối tượng BHXH bắt buộc. Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 53), đại biểu cho rằng, việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, không làm tăng sức ép về việc làm cũng như hạn chế cơ hội tìm việc làm của lao động trẻ.
Bên cạnh đó, Điều 187 của Bộ luật Lao động đã quy định nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Đồng thời cho phép điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng ở một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Vì vậy để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Lao động và phù hợp với điều kiện thực tế, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc lại quy định này, đặc biệt là cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện về kinh tế, xã hội, tài chính, có số liệu chính xác về số người hưởng hưu trí tăng dần, sự thay đổi tỷ lệ lao động với số người phụ thuộc, dự báo về thị trường việc làm, việc bảo toàn và tăng trưởng của Quỹ BHXH trong 10-20 năm tới để làm cơ sở cho việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với quy định điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (Điều 55), bởi lẽ khi thay đổi cách tính lương hưu như dự thảo sẽ làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (mức hưởng chênh lệch 10% đối với nam và 15% đối với nữ). Theo một số đại biểu, dự thảo Luật quy định nguyên tắc về việc Nhà nước "hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với một số trường hợp đặc biệt" là chưa thể chế hóa đầy đủ, cụ thể quan điểm chỉ đạo của Đảng về mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức. Đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ nhóm đối tượng lao động cụ thể được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện gắn với tiêu chí mức thu nhập tối thiểu và dự kiến nguồn lực để thực hiện chính sách này.
Chiều 28/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi). Về phạm vi công chứng, đa số ý kiến đều tán thành giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động công chứng, dự thảo Luật nên quy định theo hướng công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng (điểm c khoản 1 Điều 17). Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch và việc chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 4 Điều 63) nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này.
Liên quan đến quy định về đào tạo nghề công chứng, đại biểu Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, công chứng viên là người được Nhà nước ủy quyền để xác định tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng giao dịch nên đòi hỏi các kỹ năng hành nghề công chứng, kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình tiếp nhận và xử lý các yêu cầu công chứng, đồng thời phải nắm vững các quy định pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại, đất đai.
Vì vậy, để trang bị đầy đủ kỹ năng chuyên sâu, đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên, đề nghị cần phải tăng thời gian đào tạo nghề lên 12 tháng, đồng thời bổ sung quy định về thời gian, địa điểm, độ tuổi, sức khỏe hành nghề đối với công chứng viên độc lập. Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 42), nhiều ý kiến tán thành với quy định như trong dự thảo.
Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần có quy định cụ thể để giao cho tổ chức này thực hiện một số nhiệm vụ nhằm nâng cao vai trò tự quản của hội, tăng cường trách nhiệm của hội trong công tác bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra tập sự, giám sát hoạt động hành nghề của công chứng viên..., hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động quản lý nhà nước hiện nay. Trước đó trong phiên thảo luận tại tổ vào buổi sáng, Quốc hội đã cho ý kiến vào các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Qủan lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Quốc Khang