Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình thảo luận ở Tổ đại biểu số 18 bao gồm các đoàn Ninh Bình, Bắc Kạn, Kiên Giang, Phú Yên. Dự thảo Luật sư được sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư và thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. Đa số ý kiến cho rằng, để được bổ nhiệm các chức danh tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì các đối tượng này phải trải qua thời gian đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thời gian công tác thực tiễn nhất định, do đó, việc quy định phải có thêm thời gian 5 năm trở lên giữ các chức danh đó mới được miễn đào tạo nghề luật sư là không hợp lý. Đề nghị, đối với người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì nên giữ như quy định hiện hành.
Theo một số đại biểu, việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được "kiêm nhiệm" hành nghề luật sư sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng.
Bên cạnh đó, việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng và hoạt động tố tụng chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính, do đó giảng viên không thể làm thêm nghề luật sư trong giờ hành chính được. Đối với việc mở rộng đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa, đa số ý kiến bày tỏ sự tán thành với quy định mở rộng quyền yêu cầu bào chữa. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định rõ nội dung khái niệm "người thân" của bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ bao gồm những người nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật.
Thảo luận về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất nhận định, Luật điện lực hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, một số quy định không còn phù hợp với phương thức quản lý, điều hành của ngành điện trong điều kiện hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.
Đối với quy định về giá điện và các loại phí, có ý kiến đề nghị Nhà nước không nên can thiệp vào giá điện mà để thị trường tự điều chỉnh để có được thị trường điện cạnh tranh toàn diện và thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu điện như thời gian qua. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng điện là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển KT- XH, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước. Vì vậy, giá bán điện cần thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện, đồng thời khuyến khích, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành điện cũng như tạo động lực để thúc đẩy việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ cấu giá điện cũng cần phải được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát. Một số ý kiến cho rằng, giải pháp về giá điện nên hướng đến việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền và nên tách bạch hoạt động công ích và kinh doanh, sản xuất cũng như chính sách hỗ trợ người nghèo.
Thảo luận về dự thảo Luật hợp tác xã (HTX) (sửa đổi), đa số ý kiến đều tán thành với quy định vốn góp tối đa (không vượt quá 20% vốn điều lệ của HTX) nhằm đề cao nguyên tắc hợp tác xã phục vụ thành viên không phụ thuộc vốn góp, tránh trường hợp thành viên có mức vốn góp cao sẽ được chia nhiều lợi nhuận và tạo điều kiện thu hút được thêm nhiều thành viên tham gia vào hợp tác xã. Đối với quy định về phân phối thu nhập (Điều 49), nhiều ý kiến cho rằng, sau khi đã trích lập các quỹ, việc phân phối thu nhập của HTX, liên hiệp hợp tác xã phát sinh từ giao dịch giữa HTX, liên hiệp HTX với thành viên phải ưu tiên dựa trên mức độ đóng góp của từng thành viên thông qua việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX. Thành viên nào sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX thì lợi ích của thành viên đó cũng tăng theo. Tuy nhiên, trong thực tế đối với mỗi loại hình HTX thì việc thành viên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX đóng góp vào hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX là hoàn toàn khác nhau nhất là giữa HTX nông nghiệp và HTX dịch vụ. Do vậy, Luật chỉ nên quy định về nguyên tắc phân phối lợi nhuận cho thành viên chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ, về tỷ lệ và hình thức phân phối cụ thể do các thành viên thống nhất quy định trong Điều lệ HTX hoặc do đại hội thành viên quyết định.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần xem xét làm rõ cơ sở khoa học trong việc quy định tỷ lệ trên 50% thu nhập được phân phối cho thành viên theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Theo một số đại biểu việc cho phép HTX góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty TNHH hoạt động theo Luật doanh nghiệp là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, đề nghị giao Chính phủ quy định chặt chẽ các tiêu chí để xác định việc thành lập công ty phù hợp với mục tiêu hỗ trợ cho việc tiêu thụ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên hợp tác xã, phục vụ hoạt động của HTX, đề phòng việc thành lập công ty nhằm lợi dụng danh nghĩa HTX để hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước, hình thành sở hữu chéo, trái với mục đích thành lập và bản chất hoạt động của HTX. Liên quan đến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. có ý kiến cho rằng về nguyên tắc các thành phần kinh tế là bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình), HTX là một thành phần kinh tế, một tập hợp nhóm những người yếu thế liên kết lại, hợp tác với nhau cùng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đặc biệt trong khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhiều HTX đã hoạt động khá hiệu quả. Đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung một chương quy định đặc thù của từng loại hình HTX, nhất là các HTX nông nghiệp, từ đó quy định chính sách ưu đãi khung mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chính sách cụ thể. Đồng thời, nên bổ sung chính sách thuế khuyến khích những doanh nghiệp liên kết, hợp tác kinh doanh lâu dài với HTX.
Tin, ảnh: Quốc Khang