Phát biểu tại hội trường, đa số đại biểu tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015. Các đại biểu đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra đã cùng với các cơ quan liên quan thực hiện khá nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiếp thu đầy đủ khách quan tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức và đã rà soát, giải trình cụ thể chi tiết, thuyết phục.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề: Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 2- Điều 12 của Bộ luật hình sự 2015- khoản 3, Điều 1 của dự thảo luật); về nội dung quy định của Điều 300 (Tội tài trợ khủng bố) và Điều 324 (Tội rửa tiền) đối với pháp nhân thương mại; về nội dung của Điều 217a (Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp- khoản 49 Điều 1 của dự thảo Luật); về tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235 của Bộ luật hình sự năm 2015- khoản 56, Điều 1 của Dự thảo Luật); về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317 của Bộ luật hình sự năm 2015- khoản 115, Điều 1 của dự thảo Luật); về dự thảo Nghị quyết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13...
Đề cập đến nội dung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đa số ý kiến đề nghị giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình. Theo đó, Theo đó, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng và không phải chịu trách nhiệm về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 134; tội hiếp dâm tại Điều 141; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại Điều 169.
Nhiều đại biểu cho rằng thực tế thống kê thời gian qua, số các em từ 14-16 vi phạm 3 tội này rất ít, vì vậy hết sức cân nhắc, không nên mở rộng hình sự hóa đối với các đối tượng này và cần sử dụng các hình thức khác mang tính giáo dục nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị đối với 3 tội nói trên thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Về nội dung của Điều 217a (Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp- khoản 49 Điều 1 của dự thảo Luật), đa số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về loại tội này để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý.
Về tội gây ô nhiễm môi trường, Điều 235, có đại biểu cho rằng dự thảo lần này đã quy định được tương đối đầy đủ và rõ ràng các hành vi gây ô nhiễm mội trường, các dấu hiệu cấu thành tội phạm, ở đây chỉ cần có hành vi xả thải, chôn lấp các chất thải trên mức độ cho phép là bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, về mặt hậu quả thiệt hại vật chất, tính mạng, sức khỏe do các hành vi này gây ra là tất yếu nhưng lại không được đề cập đến trong bộ luật. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm về việc xử lý hình sự đối với trường hợp sả thải dưới mức quy định và đã bị xử phạt hành chính, tương tự như Điểm đ, Điểm c của điều khoản này.
Trong phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Mai Lan