Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, cùng với những giải pháp mang tính ổn định, lâu dài, Chính phủ trình Quốc hội giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Cụ thể sẽ giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 cho đối tượng là các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc Tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Miễn thuế, khoán thuế GTGT, thuế TNDN, TNCN trong năm 2012 đối với các nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh, hộ cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ cá nhân tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn như cuối năm 2011.
Đa số các ý kiến phát biểu đều tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 30% thuế TNDN cùng với thực hiện các nhóm giải pháp khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lưu động trong khi việc vay vốn ngân hàng đang khó khăn do các điều kiện vay và lãi suất cao.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề xuất giảm 30% thuế TNDN đối với "doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội" là chưa bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Bởi hiện nay, ngoài các lĩnh vực nêu trên còn có nhiều doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực khác cũng đang gặp rất nhiều khó khăn cần phải hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc giảm 30% thuế TNDN đối với doanh nghiệp "xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế" chưa thật hợp lý vì so với nhiều lĩnh vực khác, các doanh nghiệp này chưa hẳn là đối tượng gặp nhiều khó khăn, cần phải hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay.
Đối với việc miễn thuế khoán, thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN năm 2012 đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh, hộ cá nhân chăm sóc giữ trẻ, hộ cá nhân cung ứng sản xuất ăn ca cho công nhân, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, việc xác định đối tượng đủ điều kiện để áp dụng miễn thuế như trong dự thảo Nghị quyết là không khả thi và trong thực tế cũng rất khó có thể xác định được các hộ, cá nhân nào cung ứng dịch vụ giữ giá như cuối năm 2011. Mặt khác, trong năm 2011, do tác động của lạm phát khiến giá cả liên tục tăng, cho tới những tháng đầu năm 2012 đã chững lại và có chiều hướng giảm, do đó, kiến nghị không nên hỗ trợ về thuế để giữ mức giá như cuối năm 2011.
Để các doanh nghiệp có điều kiện giảm giá bán, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhiều đại biểu cho rằng, với phần đông các doanh nghiệp gặp khó khăn thì giảm thuế TNDN là chưa đủ, Chính phủ nên xem xét giảm thuế GTGT kết hợp với kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào của sản xuất như điện, than, dầu khí, xi măng, sắt thép, đồng thời miễn giảm hoặc giãn nộp thuế đối với doanh nghiệp có nhiều hàng tồn kho.
Theo một số đại biểu, hiện nay đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn, kiến nghị Chính phủ cùng với việc xem xét miễn thuế TNCN cũng nên nghiên cứu giảm 50% thuế GTGT với các mặt hàng như phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc… để hỗ trợ cho người tiêu dùng.
Bày tỏ sự đồng thuận với việc ban hành chính sách giảm 30% thuế TNDN, tuy nhiên một số ý kiến cũng cho rằng giải pháp miễn, giảm, dãn thuế không phải là giải pháp tối ưu, duy nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp chủ yếu gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, dẫn đến hàng hóa tồn kho tăng cao gây ứ đọng vốn. Kiến nghị Chính phủ cần xem xét tổng thể chính sách vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chú trọng hơn đến các giải pháp tiền tệ, tín dụng, giảm mạnh lãi suất cho vay, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường nhằm tăng sức mua, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hồi vốn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
Tin, ảnh: Quốc Khang