Các đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với tỷ lệ tán thành hơn 71% dù trước đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đề nghị không thông qua dự án luật tại kỳ này. Luật gồm 9 chương, 125 điều; dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi với 86,92% phiếu tán thành. Theo Luật mới, Quốc hội sẽ có thêm chức danh Tổng thư ký - đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội….
Thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ trân trọng tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu để thực hiện phương án đổi mới. Về vấn đề giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân biên soạn các bộ SGK khác, Bộ trưởng khẳng định việc này tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, cá nhân, nhóm. Phương án xã hội hóa SGK cũng là do Bộ đề xuất, Chính phủ duyệt để trình Quốc hội phê duyệt. Phương án giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động biên soạn một bộ sách, đồng thời không biên soạn các bộ sách khác là để chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. Đây cũng là tính toán thận trọng, trong khi cái mới chưa xuất hiện thì không nên loại bỏ ngay cái đã có.
Vấn đề bình đẳng, công bằng giữa các tổ chức biên soạn SGK, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc xem xét theo hướng: Các nhóm biên soạn đều có điều kiện thuận lợi tương đương trong hoạt động chuyên môn và đều có trách nhiệm (pháp lý, đạo đức) khi sử dụng tiền của ngân sách. Nhưng theo người đứng đầu ngành Giáo dục, có nhiều cách để đảm bảo sự công bằng này như các giải pháp kỹ thuật. Việc quyết định một vấn đề hệ trọng của giáo dục nên bàn bạc, cân nhắc kỹ chứ không chỉ căn cứ vào sự bình đẳng về kinh tế.
Trước đó, trong phiên họp chiều 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Kết luận về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định phiên chất vấn tại kỳ họp này đã thu được kết quả rất tốt, được đồng bào, cử tri cả nước đồng tình hưởng ứng và phản hồi tích cực. Chủ tịch Quốc hội đánh giá các vị đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi một cách ngắn gọn, thẳng thắn, rõ ràng, chừng mực nào đó cũng có gợi ý nhất định đối với công việc của các ngành, của Chính phủ. Các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trả lời chất vấn và trả lời chất vấn lần này cũng đã nói lên được quyết tâm chung của Chính phủ là phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao về kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, tư pháp, đặc biệt là nhiệm vụ của năm 2015. Quốc hội ghi nhận và cùng phối hợp với Chính phủ phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2015.
Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành thực hiện tốt giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp này là 3.729 kiến nghị và ý kiến của cử tri để báo cáo với Quốc hội vào cuối năm sau. Các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cùng với đồng bào, cử tri cả nước tiến hành giám sát các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn để chất vấn và trả lời chất vấn càng ngày càng hiệu quả. Năm tới, sẽ tiếp tục thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại hai kỳ họp, thứ 9 và thứ 10. Có thể dành một kỳ họp để chất vấn lại tất cả các chất vấn từ đầu kỳ họp thứ 2 tới nay.
Mai Lan