Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Mạnh Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc chia sẻ: Xã Quảng Lạc nằm ở phía nam của huyện Nho Quan, có 75% người dân có đạo, 80% dân tộc Mường; là xã miền núi, địa hình rộng, mật độ dân cư thưa, điểm xuất phát thấp nên việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương gặp nhiều trở ngại.
Trong cơ cấu kinh tế của xã, nông lâm nghiệp vẫn chiếm chủ yếu nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới và xây dựng các hình thức sản xuất phù hợp để nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn còn hạn chế, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm... Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của xã miền núi Quảng Lạc cũng chậm phát triển. Do vậy, việc nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo là điều khó thực hiện.
Khó khăn là vậy song cấp ủy và chính quyền địa phương đã xác định và quyết tâm phải thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đã đề ra.
Trong đó phải phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp để chỉ đạo, điều hành, đồng thời vận động người dân tham gia xây dựng các dự án, mô hình sản xuất lớn từ quy mô gia đình, đến nhóm hộ, cụm dân cư, thôn và xã. Tranh thủ cao nhất nguồn lực xã hội hóa thông qua sự giúp đỡ của huyện, tỉnh và doanh nghiệp để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Để có được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách sâu rộng, xã Quảng Lạc đã phát động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể cùng sự tận tụy của lãnh đạo địa phương, hiện thực hóa phương châm "cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau".
Đó là sự tích cực của Hội phụ nữ trong công tác dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, trồng hoa lề đường, thành lập nhiều tổ, nhóm tiết kiệm để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế.
Sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân trong việc vận động hội viên chỉnh trang khuôn viên, giữ vệ sinh đồng ruộng, vận động các hội viên phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc xã đã phát động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển thông qua các phong trào như "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", "Tuổi trẻ Quảng Lạc chung tay xây dựng nông thôn mới".
Các thôn vận động nhân dân chỉnh trang nhà văn hóa, tích cực triển khai trồng hoa bên lề đường, dọn vệ sinh môi trường, làm đẹp đường làng, ngõ xóm.
Cùng với đó, xã Quảng Lạc cũng đã làm tốt công tác dân vận khi kêu gọi người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới.
Các chủ trương, chính sách được đưa ra để người dân bàn bạc công khai, minh bạch nên được nhân dân đồng tình ủng hộ cao, góp phần to lớn trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí. Nhiều tiêu chí khó như cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, giáo dục, y tế, văn hóa, thu nhập... đã được hoàn thành. Xã phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã làm thay đổi căn bản diện mạo xã đặc biệt khó khăn này của huyện Nho Quan.
Tính từ năm 2016 đến nay, xã Quảng Lạc đã tiếp nhận hỗ trợ gần 450 tấn xi măng, cấp phát cho các thôn để làm đường trục thôn, đường xóm. Trường tiểu học, trường trung học cơ sở được đầu tư xây dựng nhà đa năng, xây dựng tường bao quanh với mức đầu tư hàng tỷ đồng. Nhà văn hóa các thôn được nâng cấp, sửa chữa.
Trên địa bàn xã, nhiều mô hình làm kinh tế hộ cho hiệu quả kinh tế cao được hình thành như trồng nấm, nuôi ốc, nuôi ong, nhím, lợn cắp nách... và phát triển kinh tế rừng.
Điển hình như ông Bùi Hồng Thắng, thôn An Ngải là người có uy tín trong đồng bào dân tộc, đã giúp hàng trăm hộ dân phát triển sản xuất bằng cách cung ứng giống, phương pháp nuôi ong mật, xây dựng mô hình VAC kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thái Học