Cùng với các địa phương khác, sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quảng Lạc đã từng bước đạt được tiêu chí. Đối với Quảng Lạc, việc tiến hành dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng được xem là bước khởi đầu, tạo điều kiện để nông dân có điều kiện đầu tư canh tác ổn định trên những khu, khoảnh ruộng lớn. Thành công trong công tác dồn điền, đổi thửa là kết quả đáng ghi nhận của địa phương. Bởi đồng đất nơi đây cao thấp không đồng đều, có nơi làm nương, làm rẫy lại có nơi chỉ có thể trồng rừng. Thêm nữa các tuyến đường, kênh, mương chưa đảm bảo nên trong quá trình quy hoạch ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa của xã dành ra một diện tích lớn để xây dựng. Đó là chưa kể đến khi thực hiện việc dồn điền, đổi thửa động chạm đến quyền lợi trực tiếp của nhân dân. Nhưng, nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, sự năng động trong quản lý, điều hành của chính quyền và huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, do đó nhân dân trong xã thấy rõ được ý thức trách nhiệm, lợi ích của công tác dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới. Hàng chục hội nghị họp bàn xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa chi tiết đến từng thửa ruộng của từng thôn, đi đến thống nhất tổ chức thực hiện. Các thôn đã tiến hành rà soát toàn bộ số hộ, số khẩu được giao đất, đồng thời rà soát diện tích đất nông nghiệp đã giao để xây dựng quy hoạch chi tiết từng xứ đồng ứng với các thôn. ủy ban nhân dân xã tập trung chỉ đạo lấy thôn Đồng Trung làm điểm, rút kinh nghiệm để triển khai ra các thôn khác. Việc dồn điền, đổi thửa ở thôn Đồng Trung được xây dựng phương án chi tiết quy hoạch, hoạch định cụ thể các xứ đồng trong thôn, sau đó tổ chức bốc thăm chia cho nhân dân theo đúng số thăm mà nhân dân đã bốc, đồng thời tổ chức giao ruộng tại thực địa, đóng cọc, phân lô. Trong công tác dồn điền, đổi thửa ở địa phương đã xuất hiện nhiều cách làm hay như: Giao cho Hội Cựu chiến binh kết hợp với Đoàn thanh niên cắm mốc lộ giới đường liên thôn, liên xóm với mục tiêu cán bộ và nhân dân chung sức xây dựng. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Tổng diện tích nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường trên 4.000m2, gần 200 ngày công nhân dân tháo dỡ tường bao… Nhiều hộ gia đình có máy đào, máy xúc, ô tô vận tải… tình nguyện tham gia cải tạo kênh mương, đường sá theo phương thức thanh toán sau nhiều vụ lúa.
Là xã có tên trong "Chương trình 135", lại nằm trong tốp 5 xã khó khăn của huyện Nho Quan, thu nhập bình quân đầu người của toàn xã còn thấp, nên việc huy động sức dân tham gia đóng góp cho nhiều phong trào xây dựng còn ở mức khiêm tốn. Để khắc phục tình trạng năng suất thu nhập trên 1 ha canh tác thấp, đối với những diện tích thuộc vùng chiêm trũng, Quảng Lạc đã vận động nhân dân phát triển kinh tế hộ theo hướng gia trại: cấy lúa + thả cá, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích đất vùng cao, nhân dân được khuyến cáo trồng các loại cây công nghiệp, như: Dứa, mía kết hợp chăn nuôi con đặc sản như: Hươu, ong, lợn cắp nách, nhím, dê... Chú trọng trồng và khai thác kinh tế rừng.
Toàn xã có 600 ha rừng, 350 ha đất có thể trồng lúa. Phát huy lợi thế đất lâm nghiệp, nhân dân tăng cường trồng rừng bổ sung, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng, tạo thu nhập cho gia đình. Đối với diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng kinh tế, Quảng Lạc đã giao cho các hộ tự quản lý để tăng thu nhập từ rừng. Đến nay, Quảng Lạc đã chuyển đổi xong gần 200 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng kinh tế. Việc chuyển đổi quản lý rừng bước đầu có hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình trồng rừng có thu nhập cao hơn. Một vòng khai thác cây rừng khoảng 5- 6 năm. Cây gỗ xít khoảng hơn 3 năm, cây keo khoảng 6 năm. Mỗi ha rừng tính cả 1 vòng khai thác sẽ cho thu nhập kinh tế khoảng 10-12 triệu đồng/năm. Được biết, Quảng Lạc đã có hơn 10 hộ có 5 ha rừng trở lên, 3 hộ có 30 ha rừng đang trong thời kỳ cho khai thác kinh tế.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương, Đảng ủy, chính quyền xã Quảng Lạc đã xây dựng đề án giảm nghèo cụ thể hàng năm, chỉ đạo Ban xóa đói, giảm nghèo xã phối hợp với các đoàn thể triển khai cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp. Đến nay, nhiều hộ vay vốn đầu tư trồng nấm, nuôi bò, nuôi ong, nhím và lợn cắp nách…. Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí Bùi Đức Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lạc cho biết: Quảng Lạc khó khăn cả về tự nhiên và xã hội. Xã có 6.500 nhân khẩu, thì 72% dân số là người Mường, 5/8 thôn có người theo đạo Thiên chúa. Với sự chung sức, đồng lòng và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quảng Lạc đã nỗ lực từng bước hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2010, từ một địa phương không đạt tiêu chí nào, đến nay Quảng Lạc đã đạt được 8 tiêu chí. Địa phương đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí như: Trường học, chợ và cơ sở vật chất văn hóa…Xã đang đầu tư xây dựng thêm 1 nguyên đơn Trường THCS và 4 phòng học kép kín cho Trường mầm non. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong tháng 5 - đây là công trình Chào mừng Đại hội Đảng bộ xã, đồng thời từng bước hoàn thiện tiêu chí trường học.
Nguyễn Minh