Điều gì đã khiến quần vợt chuyên nghiệp Ninh Bình sau một thời gian dài "im hơi lặng tiếng" tại các giải đỉnh cao nay đồng loạt "nổ súng". Thực chất thành tích này có nguyên nhân từ công tác đào tạo vận động viên trẻ. Trung tâm TDTT tỉnh, đơn vị đảm nhiệm công tác đào tạo đã xác định một chiến lược, một phương châm đào tạo rõ ràng ngay từ đâu đó là không chạy theo thành tích trước mắt bằng việc mua hoặc chuyển nhượng vận động viên mà phải làm căn bản từ gốc đó là tự đào tạo vận động viên, trong đó đào tạo tuyến trẻ là gốc rễ. Chính từ quan niệm đúng đắn đó vấn đề đào tạo trẻ được quan tâm đầu tư từ khâu tuyển chọn, đào tạo, sàng lọc, tập huấn, thi đấu các hệ thống giải…
Từ cách làm bài bản trên, đến nay quần vợt chuyên nghiệp Ninh Bình đã gặt hái được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Liên tiếp tại các giải trẻ, các tay vợt Ninh Bình đã ghi dấu ấn bằng việc mang về các thành tích. Cách đây không lâu vào tháng 6 tại "Giải vô địch quần vợt nam toàn quốc năm 2014" tổ chức tại tỉnh Đak Lăk, vận động viên Đinh Đức Trọng giành 1 huy chương đồng nội dung đơn nam độ tuổi14.
Không lâu sau đó vào đầu tháng 7 "Giải vô địch quần vợt thanh thiếu niên toàn quốc 2014"tại Cần Thơ, các tay vợt trẻ Ninh Bình lại giành thành tích. Lần này thành tích bên cạnh tên tuổi Đinh Đức Trọng (2 huy chương đồng- U14) đã xuất hiện thêm nhiều tay vợt mới: Lê Hữu Phúc (1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng U10), Trần Cao Sơn, (1 huy chương bạc, U12). Như vậy trong số 6 vận động viên hiện có, Ninh Bình đã có các tài năng đồng đều ở các tuyển U10, U12, U14. Lần gần đây nhất là vào ngày 2-12/8 tại Giải quần vợt trẻ xuất sắc tại Khánh Hòa, tay vợt trẻ Trần Cao Sơn giành 1 huy chương bạc, đơn nam U12; Đinh Đức Trọng, giành 1 huy chương đồng đơn nam U14.
Việc các tay vợt liên tiếp giành chiến thắng tại các giải trẻ một mặt khẳng định việc đầu tư cho quần vợt trẻ Ninh Bình là đúng hướng và hiệu quả, mặt khác nó cho phép chúng ta hy vọng lạc quan vào một thế hệ vận động viên mới có thể giúp quần vợt Ninh Bình cải thiện tình trạng hiện tại.Về lâu dài có thể nghĩ tới một vị trí thứ hạng cao hơn, tương tự như các môn: vật, cờ vua, bóng chuyền…
Tất nhiên trong quá trình đầu tư xây dựng, môn quần vợt Trung tâm TDTT tỉnh cũng không khỏi vấp phải những khó khăn nhất định. Trong đó nan giải nhất là vấn đề tìm đối tác thi đấu cho các vận động viên. Bởi đặc thù môn quần vợt khi các tay vợt đạt đến một trình độ nhất định việc tìm đối trọng thi đấu cọ xát thường xuyên là yếu tố quyết định để giữ phong độ và tiếp tục phát triển.
Đối với điều kiện Ninh Bình hiện tại chúng ta chỉ đáp ứng được mức đào tạo trẻ, khi vươn lên đến hạng cao hơn (từ khoảng U18 trở lên) chúng ta chưa có vận động viên làm đối trọng cũng như huấn luyện viên đủ tầm. Trong khi đó việc thuê huấn luyện viên môn quần vợt hiện khá "đắt đỏ" và hoàn toàn không khả thi trong điều kiện kinh phí hiện tại. Vấn đề làm gì để phát triển quần vợt chuyên nghiệp đỉnh cao hiện đang vẫn là một vấn đề nam giải.
Phương Nam