Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Mai Văn Tuất, TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Ban Tổ chức, Tuyên giáo các huyện, thành ủy, Đảng ủy khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Trung tâm chính trị các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt nội dung, những điểm mới trong Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.
Theo đó, Quy định 57 gồm 4 chương, 12 điều, phạm vi điều chỉnh là đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo LLCT. Trong đó nêu rõ đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo sơ cấp, trung cấp lý và cao cấp lý luận chính trị. Đồng thời phân cấp nhiệm vụ đào tạo, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo.
Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang (gọi chung là cán bộ). Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; các học viện, trường, trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.
Về phân cấp nhiệm vụ đào tạo: Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo sơ cấp lý luận chính trị. Trường Chính trị cấp tỉnh đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của địa phương và các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn. Một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lực lượng vũ trang. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao về tầm quan trọng, tính kịp thời của Quy định 57 nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý , tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị ở cả 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp); bảo đảm sự đồng bộ, khắc phục hạn chế, bất cập, chồng chéo thời gian qua; thực hiện đào tạo LLCT đúng đối tượng, tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình mới...
Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung cần quan tâm trên cơ sở thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT thời gian qua như: tiêu chuẩn cho đối tượng đi học cao cấp LLCT với một số ngành nghề đặc thù; hướng dẫn cụ thể về chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên và học viên tham gia các lớp đào tạo; xác định rõ cơ quan đào tạo của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; việc xây dựng chương trình, giáo trình học tập thống nhất đào tạo lý luận chính trị ở cả 3 cấp...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, UVT.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Để thực hiện tốt Quy định của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị, các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa thực hiện Quy định theo thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc thực hiện Quy định... đảm bảo thực hiện đào tạo LLCT đúng đối tượng, tiêu chuẩn nhằm nâng cao và đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình mới.
Xuân Trường - Đức Lam