Dự buổi sinh hoạt chuyên đề "Hãy lên tiếng" tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Ninh Bình), nhận thấy sự quan tâm của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh đối với vấn đề này. Đây là chương trình do Tỉnh đoàn phối hợp với Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố Ninh Bình tổ chức tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố nhằm trang bị cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về bảo vệ bản thân và giúp cho đội ngũ giáo viên, các bậc phụ huynh được cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng để tư vấn, hướng dẫn cách tự bảo vệ cho học sinh và con em mình, xây dựng cho các em môi trường sống, sinh hoạt lành mạnh, an toàn. Có mặt từ sớm và chăm chú lắng nghe những nội dung được truyền đạt tại buổi sinh hoạt ngoại khóa, chị Nguyễn Thị Trâm Anh, phụ huynh một học sinh nữ tại trường chia sẻ: "Thời gian qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nắm bắt được tình trạng quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em đang trở nên đáng lo ngại. Việc tổ chức các buổi tập huấn như thế này là hoạt động thật sự hữu ích không chỉ cho các em học sinh, các giáo viên mà còn cho các bậc phụ huynh. Qua buổi tập huấn, tôi có thêm các kiến thức và kỹ năng cần thiết để dạy cho các con có thể tự bảo vệ mình trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em…".
Khác với suy nghĩ trẻ em còn nhỏ dại không hiểu gì về giới tính, về xâm hại tình dục, tại buổi ngoại khóa, khi cô giáo Mai Thị Lệ Hằng, cử nhân tâm lý học, giáo viên trường THPT Hoa Lư A đưa ra những câu hỏi tìm hiểu, hướng dẫn những vấn đề cần thiết để tránh việc xâm hại tình dục cho các em, rất nhiều em xung phong phát biểu, bộc lộ những suy nghĩ, hiểu biết của mình về những vấn đề được khơi gợi, như việc nhận diện người xấu; về những vùng nhạy cảm người khác không được động chạm vào nếu không được sự cho phép của các em; những nguyên tắc cảnh báo cần thiết khi gặp nguy hiểm và cả những tình huống giả định mà các em thường gặp trong cuộc sống…, được đưa ra tạo cho các em có những phản ứng, giải quyết, ghi nhớ để không xảy ra tình trạng bị xâm hại, bị lợi dụng, bị bắt cóc…
Em Phan Ngọc ánh, học sinh lớp 4B, trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Ninh Bình), một trong những học sinh đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền về xâm hại tình dục trẻ em do Tỉnh đoàn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình tổ chức, cho biết: "Bức tranh của em có tên gọi: "Điều em muốn nói", trong đó vẽ hình kẻ xâm hại tình dục trẻ em phải đứng trước vành móng ngựa với bộ mặt đen xì, hắc ám, phía sau là những quan tòa nghiêm nghị luận tội để đưa ra hình phạt xứng đáng cho tội lỗi mà hắn gây ra; còn xung quanh là chúng em - những trẻ em ở mọi miền đất nước, khắp nơi trên thế giới nắm chặt tay nhau cùng phản đối hành vi xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ lẽ phải, mong ước có một môi trường sống an toàn, trong lành cho chúng em.".
Theo số liệu thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho thấy, trong 5 năm trở lại đây có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi. Tại Ninh Bình cũng đã có những vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng hầu hết người bị hại và các gia đình thường không tố cáo. Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất và tâm lý đối với nạn nhân trẻ em. Những hậu quả của xâm hại trẻ em còn làm ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Tuy nhiên, trẻ em không bao giờ có lỗi trong việc bị xâm hại, ngay cả khi việc này làm ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng. Cách tốt nhất để giúp trẻ tự bảo vệ mình là dạy cho trẻ những kỹ năng giúp phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.
Cô giáo Mai Thị Lệ Hằng, cử nhân tâm lý học, giáo viên trường THPT Hoa Lư A cho biết: Phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung và chống xâm hại tình dục trẻ em là trách nhiệm chung của cả cộng đồng để trẻ em được sống trong môi trường lành mạnh, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần. Cách phòng, chống tốt nhất chính là trang bị đầy đủ những kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng mềm về sức khỏe giới tính cho trẻ. Qua nhiều vụ việc hiếp dâm trẻ em cho thấy, đa số những kẻ phạm tội đều là người quen của gia đình nạn nhân, do vậy các bậc làm cha, mẹ cần tuyệt đối cảnh giác đối với một số người quen của gia đình - những kẻ có hành vi, thái độ bất thường với con gái, cháu hoặc em gái của mình. Tránh để các cháu đi lại một mình nơi vắng người, ở nhà một mình hoặc tiếp xúc quá thân mật đối với người quen khác giới. Các cơ quan thực thi pháp luật, nên mở các phiên tòa xét xử lưu động kẻ dâm ô, hiếp dâm trẻ em để giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn cái giá phải trả của hành vi tội ác này.
Thực tế hiện nay vẫn còn những vụ việc bị xâm hại nhưng gia đình và người bị hại không tố cáo do tâm lý e ngại ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của con, em mình. Do đó, để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ xâm hại thì cách tốt nhất là các em phải được trang bị những kiến thức để biết tự bảo vệ mình. Ngoài trách nhiệm của gia đình, nhà trường cần nắm bắt diễn biến tâm tư, tình cảm của học sinh, đồng thời tăng cường các hoạt động tạo ra sân chơi lành mạnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong thanh-thiếu niên với những chuyên đề cụ thể; từ đó trang bị đầy đủ kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cho trẻ em, giúp các em, nhất là trẻ em gái có được môi trường sống lành mạnh, an toàn.
Hạnh Chi