Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh là một trong những cơ sở y tế nhà vệ sinh xuống cấp nghiêm trọng mặc dù mới được bổ sung, sửa chữa. Tại các phòng vệ sinh, trần nhà bị bong tróc, tường ẩm ướt, nhà vệ sinh nhỏ hẹp, bốc mùi hôi hám mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ lây thêm bệnh khiến nhiều người bệnh không dám sử dụng. Chị Trần Thị Liệu, xã Yên Lộc (Kim Sơn) cho biết, nhà vệ sinh bẩn, bốc mùi khiến những người phải đi viện như chị thấy rất bất tiện và không yên tâm vì rất có thể bị lây chéo bệnh.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đón tiếp khoảng 500 bệnh nhân đến khám và điều trị, kèm theo đó là vài trăm người nhà của bệnh nhân. Mặc dù Bệnh viện cũng đã quan tâm đến vấn đề nhà vệ sinh bằng việc hàng năm thuê Công ty Nhà đẹp Việt đến dọn dẹp, sửa chữa, bảo dưỡng nhà vệ sinh với số tiền lên tới cả tỷ đồng; tuy nhiên, do Bệnh viện được xây dựng từ lâu nên cơ sở vật chất đã xuống cấp, tình trạng ô nhiễm, tắc cống thường xuyên xảy ra... Khi tiến hành khảo sát sự hài lòng của người bệnh, nhà vệ sinh vẫn là nơi người bệnh cảm thấy kinh khủng nhất khi nhắc đến.
Trên thực tế, lãnh đạo các bệnh viện cũng đã ý thức đối với vấn đề môi trường, cảnh quan bệnh viện, trong đó có nhà vệ sinh. Nhiều bệnh viện đã đưa ra những quy định, lắp đặt đầy đủ các thùng rác, nhà vệ sinh được trang bị nước, giấy và được lau dọn thường xuyên. Như ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ cuối năm 2017, Bệnh viện đã cho xây mới 2 nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, như có giấy vệ sinh, bồn rửa tay, nước rửa tay, xà-phòng, dung dịch sát khuẩn, gương, móc treo quần áo... bảo đảm sạch sẽ, tiện dụng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là do ý thức của một số người nhà và bệnh nhân chưa cao, tình trạng xả rác và sử dụng nhà vệ sinh bừa bãi thường xuyên xảy ra, gây tắc bồn cầu và mất vệ sinh.
Vấn đề nhà vệ sinh trong bệnh viện... bị mất vệ sinh không chỉ là nỗi ám ảnh của bệnh nhân và người nhà mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm thêm bệnh. Thực tế hiện nay, tại nhiều bệnh viện, tình trạng quá tải diễn ra khá phổ biến, trong khi nhiều cơ sở y tế chưa có sự đầu tư đúng mức cho khu vệ sinh, dẫn đến tình trạng như thiếu nước, thiếu giấy vệ sinh, thiếu người lau dọn… Theo một cuộc khảo sát về sự hài lòng của người bệnh do Mạng lưới sáng kiến Việt Nam và Bộ Y tế công bố năm 2018 cho thấy, nhà vệ sinh vẫn là nơi người bệnh phiền toái nhất mỗi khi nhắc đến, chỉ đạt 3,58/5 điểm - thấp nhất trong các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh được khảo sát.
Hiện Bộ Y tế đã đưa tiêu chí nhà vệ sinh để đánh giá chất lượng dịch vụ và tiến tới tính giá dịch vụ y tế qua chất lượng và xếp loại bệnh viện. Để tránh nguy cơ tiềm ẩn các bệnh truyền nhiễm, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, việc xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, trong đó các yêu cầu về bảo đảm nhà vệ sinh bệnh viện là rất quan trọng. Việc cải thiện hình ảnh nhà vệ sinh là gián tiếp thể hiện sự quan tâm sát sao của lãnh đạo các bệnh viện - một trong những nỗ lực không thể thiếu để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cùng với sự nỗ lực của các bệnh viện trong việc nâng cấp, duy tu, sửa chữa nhà vệ sinh, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong quá trình sử dụng, đáp ứng yêu cầu công tác khám, chữa bệnh ngày càng cao cho nhân dân.
Hạnh Chi