Vào Khoa Nội nhi (Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh) thời điểm này có thể bắt gặp khá nhiều trường hợp bệnh nhi bị tai nạn thương tích. Ngồi bế cô con gái mới 18 tháng tuổi bị băng bó kín chân tại phòng bệnh số 5, chị Phạm Thị Hằng (ý Yên, Nam Định) cho biết: Cháu bị bỏng do nước sôi. Cũng tại bố mẹ cả. Khi nhà có khách đến chơi, bố mẹ lại để phích nước ngoài sân rồi chạy đi làm việc khác. Đến khi con lẫm chẫm bước ra sân chơi, va phải phích nước sôi để cạnh khiến cháu bị bỏng chân, tay, nhưng nặng nhất là vết thương ở chân. Nhìn cô bé Ninh Phương Vy chưa đầy 2 tuổi, đang oằn người lên vì những cơn đau, nhất là khi bác sỹ đến thay băng, không ai là không khỏi xót xa và thầm trách sự bất cẩn của bố mẹ đã gián tiếp gây nên sự đau đớn lẽ ra em không phải chịu. Hỏi chuyện các trường hợp bệnh nhi ngay tại phòng bệnh số 5, trong số 7 bệnh nhân điều trị tại đây thì có tới 4 bệnh nhi thuộc diện bị bỏng, mà hầu hết là do bỏng nước sôi.
Có gia đình thì do bất cẩn để phích nước sôi gần chỗ con chơi, có nhà lại "đãng trí" đến mức đổ nước sôi vào chậu để rửa cho con sau khi đi vệ sinh nhưng lại quên không pha nước nguội cùng. Có trường hợp lại đổ nước sôi trước vào chậu rồi mới chạy đi lấy nước nguội, trong khi con đang ngồi nghịch ngay bên cạnh chậu nước sôi…
Cũng đang chịu đau đớn không kém các bệnh nhi bị bỏng nước sôi, cậu bé Nguyễn T.T (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình) lại vào cấp cứu và điều trị với vết thương khá nặng: bị tổn thương gân gấp bàn chân do bị tấm kính trong nhà rơi vào chân. Hỏi chuyện mẹ bệnh nhi, được biết nguyên nhân để xảy ra tai nạn với cháu do nhà đang xây dựng và hoàn thiện nên gia đình chủ quan không để ý con cái khi cháu chạy chơi. Theo bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, do vật nặng rơi mạnh vào chân nên gây tổn thương nặng cho gân gấp bàn chân của cháu. Sau khi điều trị và ra viện, cháu bé phải mất một thời gian dài để đi bằng nạng, luyện tập mới có thể đi lại bình thường…
Trao đổi với bác sỹ Đinh Văn Duy, bác sỹ điều trị thuộc Khoa Nội nhi được biết thêm: Thời gian gần đây, số trẻ bị tai nạn thương tích đến cấp cứu và điều trị tại Khoa gia tăng. Các trường hợp gặp tai nạn thương tích rất đa dạng: bỏng nước, ngã xe, bị đá ném vào đầu, bị vật nặng rơi vào… Một số trường hợp bị tai nạn thương tích khá nặng như: ngã đập đầu xuống nền cứng gây chấn thương sọ não, bị bỏng nước trên 10%... Có trường hợp đã phải chuyển lên tuyến trên. Có những trường hợp khi đưa vào cấp cứu, do gia đình không biết cách sơ, cấp cứu, gây nhiễm trùng vết thương khiến tình trạng thương tích của trẻ nặng hơn, việc điều trị gặp khó khăn và kéo dài hơn.
Đầu tháng 4 vừa qua, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã tiếp nhận một trường hợp khá đặc biệt. Đó là một cháu bé 20 tháng tuổi (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) được đưa vào trong tình trạng hạ nhiệt độ, tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim do bị đuối nước. Sau 25 phút thực hiện các biện pháp cấp cứu, bệnh nhi đã có nhịp tim, các chỉ số về huyết động tạm ổn định, bệnh nhi vẫn phải thở máy do bị suy hô hấp nặng… Hỏi chuyện người nhà bệnh nhi được biết, để cháu bé gặp tình trạng trên là do gia đình gửi cháu tại một nhà trông trẻ tư. Nhưng do bất cẩn nên người trông trẻ đã để cháu nghịch và bị ngã vào bể nước, dẫn đến đuối nước.
Thực tế từ nhiều năm nay, tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em diễn ra khá phổ biến. Xuất phát từ sự thiếu quan tâm, bất cẩn của người lớn mà nhiều em gặp tình trạng tai nạn thương tích hết sức thương tâm. Trẻ vùng nông thôn gặp tai nạn thương tích kiểu nông thôn như: đuối nước, ngã từ trên cây… Trẻ khu vực thành thị lại gặp tai nạn thương tích như: bị vật nặng rơi vào, bị bỏng nước sôi, bị ngã khi đang chơi, bị tai nạn giao thông khi mải đá bóng, chạy nhảy ngay ven đường quốc lộ…
Tai nạn thương tích xảy ra với trẻ, trước mắt gây đau đớn cho trẻ nhưng với nhiều loại thương tích nguy hiểm là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về tương lai sau này. Có trường hợp nặng khiến trẻ tử vong, là nỗi đau không gia đình nào muốn nghĩ đến. Theo bác sỹ Đinh Văn Duy (Khoa Nội nhi- Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh): Tại Khoa Nội nhi, mặc dù Khoa có 37 giường bệnh nhưng thường xuyên tiếp nhận từ 35- 40 bệnh nhi, trong đó số trẻ bị tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ từ 10- 15%, là tỷ lệ cao hơn so với các năm trước.
Trước tình trạng bệnh nhi gặp tai nạn thương tích như thời gian gần đây tại Bệnh viện Sản - Nhi, bác sỹ khuyến cáo các gia đình nên có thêm kiến thức, sự hiểu biết để phòng tránh tai nạn thương tích cho con em mình. Không chỉ dành thời gian quan tâm chăm sóc, quản lý con cái, mỗi gia đình cần cập nhật thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em, về sơ cấp cứu một số trường hợp đơn giản như: bỏng, thương tích gây chảy máu…để khi con cái gặp trường hợp bị thương tích, gia đình có thể triển khai đúng cách việc sơ cứu cho con. Khi gia đình có con em bị tai nạn thương tích, việc cần nhất là phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời, nhanh chóng.
Đặc biệt, mùa hè sắp đến, đây là khoảng thời gian trẻ em trong nhiều gia đình được vui chơi thỏa thích sau một năm học. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian nhiều gia đình hết sức lo lắng vì việc quản lý, chăm sóc con cái gặp khó khăn do lịch làm việc, công tác của bố mẹ không trùng với lịch nghỉ hè của con. Do đó, để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là trong dịp hè, mỗi gia đình cần thu xếp để đảm bảo trẻ em được vui chơi, giải trí trong môi trường lành mạnh, an toàn nhất.
Bài, ảnh: Bùi Diệu