Chị Nguyễn Thị Lan, xóm Vinh Viên, xã Ninh Mỹ (Hoa Lư) cho biết, con trai chị hiện được 18 tháng tuổi, cao 90 cm, nặng 10kg, thường xuyên được cán bộ Trạm y tế xã thông báo và gia đình bố trí đưa cháu đi cân nặng, đo chiều cao, tiêm chủng các mũi tiêm phòng dịch bệnh, uống vitamin theo đợt… đúng thời gian quy định, đảm bảo cho cháu phát triển khỏe mạnh. Cùng với đó, nhờ sự tư vấn của chuyên trách dinh dưỡng trạm y tế xã, chị Lan thực hiện cho con ăn uống đủ chất, đúng khẩu phần, đảm bảo chế độ dinh dưỡng để phát triển cả cân nặng và chiều cao, từ đó con chị khá nhanh nhẹn, khỏe mạnh, có sức đề kháng với bệnh tật, ít ốm đau, quấy khóc.
Theo chị Giang Thị Thu Hòa, chuyên trách dinh dưỡng Trạm y tế xã Ninh Mỹ, suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu dinh dưỡng quan trọng để phát triển thể chất của trẻ. Biểu hiện của suy dinh dưỡng là trẻ chậm lớn và thường hay mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và viêm đường hô hấp, giảm khả năng học tập, năng suất lao động kém khi trưởng thành. Đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi thường có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển cơ thể. Để đáp ứng nhu cầu đó, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ theo lứa tuổi, với nhiều bữa ăn và đa dạng các loại thực phẩm, rau xanh, củ quả... Trước đó, khi mang thai, người mẹ cần ăn uống đầy đủ để không thiếu chất, sinh con ra có đủ cân nặng, phát triển bình thường. Khi trẻ đã ăn dặm, phấn đấu bữa ăn nào cũng có đủ 4 món cân đối. Ngoài cơm (cung cấp năng lượng), cần có đủ 3 món nữa là: Rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo) và canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ăn ngon miệng…
Bà Phan Thị Nụ, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều chương trình, dự án góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ như dự án cải thiện dinh dưỡng; đề án sàng lọc sau sinh… Để hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, Ban chỉ đạo các cấp trong tỉnh đã quan tâm phân công cán bộ làm công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chuyên trách dinh dưỡng cấp huyện, cấp xã tiến hành giám sát hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng nhằm đảm bảo mọi hoạt động được triển khai xuống tận cơ sở, đến đúng đối tượng.
Công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng được quan tâm thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Truyền thông về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được thực hiện và duy trì thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, cao điểm vào các dịp "Tháng hành động vì trẻ em", chiến dịch uống Vitamin A bổ sung và tẩy giun, "Ngày vi chất dinh dưỡng"; tuyên truyền "Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ", "Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển"… Nội dung truyền thông được tiến hành theo các chủ đề hàng tháng tại cộng đồng bằng những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, theo dõi tăng trưởng, kiến thức cần thiết phục hồi trẻ suy dinh dưỡng, đa dạng hóa thực phẩm cho bữa ăn gia đình, phòng chống thiếu Vitamin A, thiếu sắt, I-ốt và sự phát triển của trẻ, góp phần nâng cao nhận thức trong chăm sóc trẻ cho các bậc phụ huynh và cộng đồng.
Cùng với việc cung cấp kiến thức về dinh dưỡng, công tác theo dõi tăng trưởng của trẻ được thực hiện thường xuyên tại các xã, phường, thị trấn. 6 tháng đầu năm 2018, Ban chỉ đạo phòng, chống suy dinh dưỡng tỉnh đã cấp bổ sung 423 thước đo trẻ em và 81 chiếc cân cho các xã, phường, thị trấn để theo dõi sự phát triển của trẻ. Do đó, trẻ em dưới 2 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng được các cộng tác viên y tế thôn, bản theo dõi sự phát triển hàng tháng để kịp thời hướng dẫn cho các bà mẹ về cách nuôi dưỡng trẻ theo từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh việc tuyên truyền để các bà mẹ có con nhỏ quan tâm đưa con từ 3-36 tháng tuổi đi uống vitamin A và tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch nhằm góp phần phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Theo dõi thường xuyên cân nặng, chiều cao của con để kiểm soát thể trạng của trẻ, có giải pháp phòng ngừa ngay từ khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu của suy dinh dưỡng.
Ngoài các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ, thời gian qua ngành Y tế tỉnh đã triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh nhằm tầm soát sớm các bệnh lý liên quan đến trẻ sau sinh, như các kỹ thuật siêu âm sàng lọc tim, lấy máu gót chân… Thông qua đó giúp phát hiện sớm các bệnh về tim, bệnh di truyền, nội tiết như thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh để sớm có biện pháp can thiệp kịp thời, đảm bảo cho trẻ phát triển khỏe mạnh bình thường. 6 tháng đầu năm 2018, ngành Y tế tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho gần 800 cán bộ y tế thôn bản và bà mẹ có con dưới 2 tuổi tại 4 huyện trong tỉnh…
Để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em mang lại hiệu quả cao hơn, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với ngành Y tế, cũng như các hội, đoàn thể trên địa bàn, có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về dinh dưỡng theo từng giai đoạn đạt hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép sâu rộng những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong nhân dân, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi. Đặc biệt quan tâm hơn đến người dân các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, tạo điều kiện về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp họ có điều kiện thực hành dinh dưỡng đã được tuyên truyền…, từng bước cải thiện nòi giống, nâng dần trí tuệ và chất lượng dân số, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh