Hệ quả rõ nhất là lượng người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế gia tăng. Do ảnh hưởng của thời tiết, các dịch bệnh: cúm A (H5N1), H7N9, sởi, sốt phát ban, tay-chân-miệng, viêm phổi, phế quản… có nguy cơ bùng phát. Đây cũng là thời điểm mà dịch cúm gia cầm, sởi… đang xuất hiện ở một số địa bàn trên cả nước. Do đó, không chỉ ngành Y tế Ninh Bình mà cả cộng đồng cần quan tâm phòng, chống dịch bệnh khi thời tiết giao mùa. Vào Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh thời điểm này, lượng bệnh nhân đến khám bệnh tại khoa Khám bệnh luôn trong tình trạng quá tải. Bác sỹ Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã tiếp đón lượng bệnh nhân khá đông, tăng cao so với những thời điểm trước trong năm. Trung bình, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 350-400 lượt bệnh nhân, ngày cao điểm lên tới hơn 500 lượt bệnh nhân. Trong đó, lượng bệnh nhi chiếm chủ yếu.
Đến khoa Nội nhi 2, chúng tôi được bác sỹ Phạm Văn Yên, Trưởng khoa cho biết thêm: Thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhất là vào mấy ngày thời tiết giá rét như hiện nay, lượng bệnh nhân có mặt điều trị tại Khoa lúc nào cũng xấp xỉ 100 bệnh nhi, lúc cao điểm lên đến 120 bệnh nhi, tập trung ở các biểu hiện của bệnh: sốt phát ban, thủy đậu, tay-chân-miệng… Với lượng bệnh nhân đông, các bệnh nhi nhập viện thường có một số biểu hiện bệnh gần giống nhau nên việc khám lâm sàng được các bác sỹ hết sức chú trọng nhằm phát hiện, chẩn đoán bệnh chính xác để có phác đồ điều trị hiệu quả. Trước tình hình dịch sởi, cúm A (H5N1), H7N9 đang có nguy cơ bùng phát, khoa Nội nhi 2 đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát để phân loại, cách ly những trường hợp nghi nhiễm cúm, sởi để có biện pháp điều trị phù hợp.
Dẫn chúng tôi vào thăm một trường hợp bệnh nhi ở thành phố Ninh Bình mới nhập viện đang có các biểu hiện nghi sởi, bác sỹ Phạm Văn Yên giới thiệu: Đây là trường hợp Khoa đang đưa vào danh sách bệnh nhân nghi sởi do các dấu hiệu ban đầu xuất hiện: Ban mọc dày, mịn, có sốt… Mặc dù đang nghi ngờ và chưa có kết quả xét nghiệm chính xác nhưng trước mắt Khoa vẫn sắp xếp cho bệnh nhi này ở phòng cách ly, phân công cán bộ theo dõi, điều trị, tư vấn và hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân biết cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho trẻ… Bên cạnh đó, Khoa cũng tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người nhà bệnh nhân tại các buồng bệnh để mỗi gia đình biết và nâng cao nhận thức trong việc phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch cúm, sởi.
Theo thống kê của Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, từ đầu năm 2014 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 2.408 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị, tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bệnh viện chưa phát hiện trường hợp trẻ em nào mắc sởi, cúm.
Mặc dù một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân mắc và tử vong do cúm A (H5N1) và hàng trăm ca mắc sởi nhưng trên địa bàn tỉnh đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A (H5N1), H7N9, sởi, chưa phát hiện các chủng vi rút cúm khác lây từ gia cầm sang người. Nhưng trước nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh là rất lớn, do đây là thời điểm sau Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch đến tham quan, chiêm bái tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh lớn, khó kiểm soát, lượng thực phẩm tiêu dùng, chế biến phục vụ khách du lịch do các cơ sở khách sạn, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhập về từ nơi khác…
Do đó, với chức năng được giao, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh có văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm tăng cường và kiện toàn hệ thống phòng, chống dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, hệ thống các đơn vị y tế và cả cộng đồng.
Theo đồng chí Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang phối hợp với các địa phương, hệ thống phòng, chống dịch tuyến huyện và cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A (H5N1), H7N9 và các bệnh truyền nhiễm gây dịch lây từ gia cầm sang người tại cộng đồng, đặc biệt là các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh. Đồng thời, tăng cường giám sát tình hình dịch sởi trên địa bàn nhằm tổ chức phát hiện sớm, cách ly điều trị người mắc bệnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định, đặc biệt là các dịch bệnh do các chủng vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người nhằm triển khai sớm, đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra tử vong, xử lý dứt điểm ổ dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên. Đối với dịch sởi, không để xuất hiện bệnh nhân sởi trên địa bàn, Sở Y tế đã giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã tiến hành rà soát và lập danh sách đối tượng trẻ 9-11 tháng tuổi chưa tiêm sởi mũi 1, trẻ 18 tháng tuổi chưa tiêm sởi mũi 2 để tổ chức tiêm vét, tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng.
Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng sởi trong toàn tỉnh mới đạt trên 90%, trong đó tỷ lệ trẻ mới tiêm sởi mũi 1 đạt khoảng 85%. Trong tháng 1-2014, tỷ lệ trẻ tiêm phòng sởi mũi 1 mới đạt 5,9%, mũi 2 đạt 6,4%/kế hoạch năm… Vì vậy, trong các nội dung tuyên truyền phòng, chống bệnh sởi, ngành Y tế chú trọng nâng cao nhận thức của người dân để các bà mẹ đang nuôi con nhỏ quan tâm đưa con em mình đi tiêm phòng các bệnh, nhất là tiêm phòng sởi là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống bệnh sởi.
Cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành có liên quan như: Ngành Nông nghiệp và PTNT, Công thương đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Có kế hoạch và tổ chức tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống các chủng vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người, đặc biệt là cúm A(H7N9) và cúm A(H5N1) cho người dân, khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh, nâng cao kiến thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Phan Hiếu