Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới đối với đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và người lao động nói riêng?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Suy giảm kinh tế toàn cầu thời gian qua đã có những tác động nhất định đến sản xuất - kinh doanh, đời sống - việc làm của các doanh nghiệp và người lao động. Xét trên diện rộng, ảnh hưởng rõ nhất là sự tăng giá của nhiều mặt hàng, kèm theo đó là việc thắt chặt chi tiêu của người dân phần nào đã khiến cho sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn ổn định và có bước phát triển nhờ nội lực được phát huy. Đời sống của các tầng lớp nhân dân nhìn chung ổn định. Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh, thời gian qua hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều duy trì được sản xuất, đảm bảo được việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp còn tuyển dụng thêm lao động, như: Công ty may Cát Tường, Công ty may Đài Loan, Công ty Xi măng The Vissai Ninh Bình… Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.000.000-1.200.000 đồng/người/tháng, có những doanh nghiệp đạt 1.500.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp, do sản xuất, kinh doanh khó khăn, nên đời sống của người lao động có phần bấp bênh. Hiện, toàn tỉnh có trên 300 lao động phải nghỉ việc do doanh nghiệp không bố trí được việc làm, trên 400 lao động xin nghỉ tự túc. Nếu so với con số trên 16.500 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì con số trên chưa phải là lớn.
Phóng viên: LĐLĐ tỉnh đã có những giải pháp gì nhằm ổn định đời sống, việc làm cho người lao động?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Thực hiện Nghị quyết số 30/2008 của Chính Phủ, ngày 26-2-2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 181 triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. 4 nhóm giải pháp đã được đưa ra, đó là: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội. Như vậy thời gian tới, khi sản xuất, kinh doanh phát triển thì vấn đề đời sống, việc làm cũng sẽ được cải thiện. ở góc độ LĐLĐ tỉnh, chúng tôi đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp, cùng với các ngành, các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định đời sống, việc làm cho người lao động. Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, an toàn, hiệu quả được phát động mạnh mẽ, làm cho sản xuất phát triển và duy trì được tốc độ phát triển kinh tế. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người lao động về những khó khăn, thách thức của suy giảm kinh tế thế giới cũng như những ảnh hưởng, biện pháp khắc phục của Chính phủ, của tỉnh nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 4 đoàn đi khảo sát, nắm tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động, tổ chức đi thăm, tặng quà 150 lao động khó khăn; gặp gỡ, động viên 10 doanh nghiệp có đông công nhân lao động và tổ chức nói chuyện tại các doanh nghiệp, tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động theo tinh thần Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị về "Xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp". Ngày 24-1-2009, tại Công ty nhựa quốc tế (CCN Gián Khẩu) đã xảy ra vụ ngừng việc tập thể, ngay sau đó chúng tôi đã chỉ đạo LĐLĐ Gia Viễn có giải pháp can thiệp kịp thời và ngày hôm sau người lao động đã trở lại làm việc bình thường. Cũng trong những tháng đầu năm, LĐLĐ còn chỉ đạo tổ chức tốt các hội thi kiến thức pháp luật, an toàn vệ sinh viên giỏi, tạo nên khí thế thi đua trong các doanh nghiệp. Qua các hội thi, nhận thức của người lao động về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được nâng lên, ý thức chấp hành kỷ luật lao động được cải thiện; nghĩa vụ, quyền lợi giữa doanh nghiệp và người lao động thêm gắn bó.
Lao động nữ ở Doanh nghiệp thêu ren Nguyễn Hoàng.
Phóng viên: Thưa đồng chí, nền kinh tế của chúng ta đang hồi phục và có bước phát triển, nhưng chưa phải đã bớt khó khăn. Thời gian tới LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung giải quyết vấn đề gì để góp phần đảm bảo an sinh xã hội?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức khảo sát, nắm tình hình đời sống, việc làm của người lao động, phát hiện và chủ động phối hợp giải quyết vấn đề nảy sinh, tránh đình công. Phối hợp với quỹ " Tấm lòng vàng" của Báo Lao động giúp khoảng 50 gia đình công nhân nghèo sửa chữa, xây dựng nhà ở. Thành lập tổ công tác hướng dẫn chi tiết việc vay vốn cho đối tượng mất việc làm theo tinh thần Nghị quyết 30/2008 của Chính phủ. Tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực xây dựng nhà văn hóa cho 3 thôn thuộc các xã Yên Đồng, Yên Thành, Yên Thái; tặng 800 bộ quần áo và xây 10 bể chứa nước cho hộ nghèo. LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn ngành Công thương tập trung triển khai các biện pháp kích cầu, đầu tư, chống suy giảm kinh tế, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp với các Ngân hàng triển khai tốt chính sách cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện giải ngân 1 tỷ đồng vốn vay, giúp công nhân lao động phát triển kinh tế gia đình. Tiếp tục phát động phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu, công nhân lao động giỏi nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Coi trọng phát triển tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, rà soát việc chấp hành các quy định của Nhà nước về chế độ tiền lương, đóng nộp BHXH trong các doanh nghiệp, tạo điều kiện để người lao động yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, việc làm.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Trang (thực hiện)