Hiện đang là học sinh lớp 10C, trường THPT Ninh Bình- Bạc Liêu, với Vũ Thị Lan Anh, nhiều khi ngủ dậy em vẫn ngỡ mình đang mơ. Nói về hoàn cảnh của mình, Lan Anh buồn bã chia sẻ: Quê em ở xã Yên Thái (Yên Mô), bố em bị bệnh mất sớm, rồi mẹ do sai lầm, phạm pháp mà phải đi tù nên 2 chị em được Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng từ năm 2009. Dù phải xa gia đình, họ hàng, nhưng 2 chị em Lan Anh đã nhận được sự quan tâm, tình yêu thương, chăm sóc của cán bộ, nhân viên Trung tâm nên nỗi nhớ nhà cũng vơi dần. Thiếu bố mẹ và họ hàng, bù lại 2 chị em được sinh hoạt, vui chơi cùng các bạn có chung hoàn cảnh. Đặc biệt, do đang tuổi đi học nên 2 chị em Lan Anh còn được Trung tâm bố trí xin học ở các trường trên địa bàn. Hiện Lan Anh đang học lớp 10, còn em trai của em học lớp 5, trường Tiểu học Ninh Phong. Lan Anh cho biết: Nếu không có Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh dang rộng vòng tay đón 2 chị em vào, còn ở nhà có lẽ cả 2 chị em cháu không biết bấu víu vào đâu vì anh em họ hàng ở quê cũng khó khăn...Do đó, cháu cố gắng chăm ngoan, học giỏi để sau này ước mơ trở thành cô giáo đứng trên bục giảng sẽ thành hiện thực... Tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 34 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với sự quan tâm của tỉnh và Trung tâm trong việc đảm bảo cho các cháu có đầy đủ các điều kiện sinh hoạt, trẻ em ở đây còn được tạo điều kiện để đến trường, được trang bị đồ dùng học tập, được dạy bảo tận tình để các cháu vượt lên trên hoàn cảnh của bản thân, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Khi tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, các em còn được miễn giảm các khoản đóng góp trong trường học, được chăm sóc về sức khỏe... nên các em đều nhanh chóng hòa nhập với trường lớp, bạn bè, có nhiều tiến bộ trong học tập.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 230.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có trên 6.600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ nhiễm chất độc hóa học, trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ em lao động sớm... Để các đối tượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm, trợ giúp, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, dành nhiều nguồn lực, điều kiện để chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Triển khai thực hiện nghiêm các chính sách về an sinh xã hội, học nghề và tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để hòa nhập cộng đồng, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng nhiều hình thức. Với sự chung tay của toàn xã hội, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được giúp đỡ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, lập danh sách trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em khuyết tật vận động, trẻ em sứt môi, hở vòm miệng có nhu cầu phẫu thuật mà điều kiện gia đình có khó khăn để vận động kinh phí hỗ trợ các ca phẫu thuật. Trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi được tỉnh quan tâm hỗ trợ bằng nhiều chính sách cụ thể như: hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ miễn, giảm học phí, được tặng học bổng, sách vở học tập...
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 11 cháu được hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh, 54 cháu được khám sàng lọc, phẫu thuật về khuyết tật vận động... Đặc biệt, với trẻ em mồ côi, trẻ nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được nhận vào Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội, Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan để chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị. Cùng với 34 trẻ đang sinh hoạt tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh, còn có 14 trẻ bị nhiễm chất độc hóa học là con của người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan theo chế độ quy định của Nhà nước. Những trẻ em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm, dù điều kiện sinh hoạt, học tập chưa được đầy đủ, toàn diện như trẻ em sống ở gia đình có bố mẹ, nhưng các em đều được chăm lo về mọi mặt để có thể tự tin, mạnh dạn giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng.
Lý Nhân