Khó khăn khi thực hiện BHYT cho hộ cận nghèo Thực hiện quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, ngày 23-12-2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/2009/QĐ-UBND về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách nhà nước để đóng BHYT cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật BHYT là hỗ trợ 50% kinh phí mua thẻ cho đối tượng hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 30% cho đối tượng là học sinh, sinh viên học tại các trường công lập.
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 38, BHXH tỉnh đã chủ động nhận danh sách hộ cận nghèo từ Sở Lao động, Thương binh và xã Xã hội chỉ đạo Phòng Thu hướng dẫn BHXH các huyện, thành phố, thị xã thực hiện thu BHYT của đối tượng hộ cận nghèo qua các đại lý thu BHYT của xã, phường, thị trấn. Đồng thời tích cực tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ khi tham gia BHYT cho nhóm đối tượng này trên Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh và hệ thống đài truyền thanh. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện BHYT cho người cận nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn đạt thấp, trong năm 2010, toàn tỉnh có 72.891 đối tượng cận nghèo thì mới có 3.802 người tham gia, chiếm tỷ lệ 5,2%; riêng tại 2 huyện là Nho Quan và Gia Viễn có trên 25.000 người cận nghèo nhưng không vận động được một người nào tham gia BHYT.
Theo BHXH tỉnh, nguyên nhân chính khiến người cận nghèo chưa mặn mà tham gia BHYT là do: Người cận nghèo kinh tế vẫn còn khó khăn, mức phí tham gia còn cao so với thu nhập của họ. Với việc hỗ trợ 50% mệnh giá của thẻ BHYT (4,5% mức lương tối thiểu chung), một hộ gia đình cận nghèo nếu tham gia BHYT đủ số người sẽ phải bỏ ra trên dưới 1 triệu đồng, đây là một số tiền không hề nhỏ đối với người dân thuộc diện cận nghèo, chính vì vậy họ chỉ tham gia cho những người đang cần khám, chữa bệnh hoặc có nguy cơ khám, chữa bệnh cao. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động, giải thích về tính nhân đạo, nhân văn, cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT chưa thực sự hiệu quả; các đại lý thu BHYT ở các xã, phường, thị trấn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai, vận động người dân thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT…
Đồng chí Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Những người làm công tác BHXH luôn trăn trở để làm sao chính sách BHYT đến với người dân, giúp họ được thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện, nhất là những đối tượng có điều kiện kinh tế khó khăn như người nghèo, người cận nghèo. Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XII, Giám đốc BHXH tỉnh đã báo cáo làm rõ nguyên nhân số người tham gia BHYT hộ cận nghèo trên địa bàn rất thấp và đề nghị tỉnh tiếp tục tăng mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT cho đối tượng hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên.
Với sự quan tâm đặc biệt tới việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn, ngày 6-4-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tăng mức hỗ trợ cho đối tượng hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo từ 50% lên 75%; đối tượng học sinh, sinh viên không thuộc hộ cận nghèo từ 30% lên 40% và có hiệu lực từ ngày 1-4-2011.
Có thể nói, việc UBND tỉnh tăng mức hỗ trợ để mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tới người dân nói chung và đối tượng cận nghèo có thu nhập thấp nói riêng. Tuy nhiên, kết quả triển khai BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo năm 2011 vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Toàn tỉnh có 83.127 người thuộc hộ cận nghèo nhưng chỉ có 10.041 người tham gia, chiếm 12,1%.
Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương
Ngày 30-1-2012, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 502/VPCP-KHTH về việc nâng mức hỗ trợ cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT từ 50% lên 70%. Trên cơ sở thực tế số người cận nghèo trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT vẫn còn thấp, đồng thời với sự quan tâm, ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong thực hiện chính sách BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo thời gian vừa qua, BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo lên 100%. Ngày 2-7-2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để đóng BHYT cho hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Trong đó quy định mức hỗ trợ cho đối tượng học sinh, sinh viên là 40% mệnh giá thẻ; nâng mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo lên 95% (ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh 25%), đồng thời yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ phần kinh phí (5%) còn lại để người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.
Kết quả, trong năm 2012, toàn tỉnh có 72.318 người thuộc đối tượng cận nghèo (trong đó có 16.722 người đã có thẻ BHYT), BXHH tỉnh tiếp tục chỉ đạo BHXH cấp huyện tham mưu cho UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo việc tổ chức lập danh sách, hỗ trợ 5% kinh phí để đảm bảo tất cả người thuộc đối tượng cận nghèo chưa có thẻ được tham gia BHYT. Như vậy, có 55.569 người thuộc hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ mua thẻ BHYT với tổng số tiền là 14,9 tỷ đồng, đạt 100% người cận nghèo tham gia BHYT. Năm 2013, có tổng số 61.087 người thuộc hộ cận nghèo (7.951 người có thẻ BHYT), thì có 53.136 người được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT với tổng số tiền là 29 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 100%.
Ngoài việc luôn bám sát thực tiễn của địa phương để tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo lên 100%, BHXH tỉnh còn tăng cường phối hợp với ngành Y tế đảm bảo quyền lợi của người dân khi đi khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 151 cơ sở y tế đăng ký khám, chữa bệnh BHYT, bao gồm: 16 bệnh viện, 129 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã và tương đương, 6 phòng khám tư nhân. Các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã thường xuyên nâng cấp cơ sở vật chất, tích cực đầu tư trang thiết bị y tế để phục vụ người bệnh.
Người tham gia BHYT nói chung và người cận nghèo nói riêng đã được tiếp cận các dịch vụ y tế từ tuyến xã đến tuyến Trung ương tùy theo tình trạng bệnh tật. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã phát triển dịch vụ kỹ thuật mới và tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao theo Đề án 1816: chụp CT Scanner, máy tán sỏi, xét nghiệm miễn dịch, chạy thận nhân tạo, máy nội soi, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật Phaco... cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tỉnh, trong đó có đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Riêng năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã có trên 272 nghìn lượt người là đối tượng người nghèo, người cận nghèo đi khám, chữa bệnh BHYT với tổng số tiền được Quỹ BHYT chi trả hơn 44 tỷ đồng.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc và phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan trong việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT nói chung và đặc biệt là chính sách BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo nói riêng đã góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an sinh xã hội tại địa phương, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
Hoàng Sơn-Hoàng Long