Những cán bộ, nhân viên của Trung tâm là lo âu hơn cả, vì với sự trợ cấp có hạn của Nhà nước họ phải làm sao cân nhắc, tích toán cho phù hợp để đảm bảo cho cuộc sống cả "gia đình" với hàng trăm con người nơi đây được ăn ngon, ăn đủ.
Được thành lập vào năm 1992, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Ninh Bình - nơi được coi là mái ấm tình thương nâng đỡ cho những cảnh đời éo le, đã thực hiện tốt chức năng tiếp nhận, quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng, dạy nghề những đối tượng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Hiện nay, Trung tâm được giao tiếp nhận 107 đối tượng, trong đó có 41 cụ già cô đơn, 22 người tàn tật, 33 cháu mồ côi, 3 cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam; 8 trẻ sơ sinh. Đối với những đối tượng này thì cuộc sống hoàn toàn trông chờ vào chính sách trợ cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước, sự hảo tâm, từ thiện của các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân.
Với chính sách nhân đạo cao cả, Đảng và Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đến những hoàn cảnh bất hạnh, thương tâm, nên mức trợ cấp xã hội, đời sống của các đối tượng này được tăng lên đáng kể. Gần đây nhất, mức trợ cấp cho các đối tượng này trên địa bàn tỉnh được hưởng là 290.000 đồng/người/tháng. Đây là mức hỗ trợ cơ bản đảm bảo ổn định cuộc sống cho những đối tượng của Trung tâm.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như không có sự biến động về giá cả các mặt hàng trên thị trường. Nếu như trước đây, 1 kg thịt lợn ba chỉ ( là thức ăn thường xuyên ở Trung tâm) là 25 nghìn đồng thì đến nay đã lên đến trên 40 nghìn đồng. Đó là chưa kể đến các mặt hàng khác cũng đồng loạt tăng giá. Do vậy, cuộc sống của những người ở đây trở nên khó khăn hơn, lượng chất trong từng khẩu phần ăn giảm đi so với trước. Mọi chi tiêu phải chắt chiu, dè xẻn mới có thể đủ trang trải đối với đời sống như cơm, rau, muối, mắm, xà phòng, điện, nước... Để cải thiện thêm trong cuộc sống, giảm bớt các khoản chi phí, Trung tâm đã tận dụng các khoảng đất trống để trồng rau xanh và chăn nuôi thêm lợn. Thế nhưng, lượng rau trồng ra mới chỉ đáp ứng được 30% trong ngày và lợn nuôi trong vòng hơn 3, 4 tháng mới cải thiện được thức ăn trong một vài ngày. Bởi vậy, để đảm bảo đầy đủ cho các đối tượng trong thời gian giá cả leo thang này quả là một bài toán khó đối với Trung tâm.
Bù lại sự trượt giá đó, trong Quyết định số 496, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt mức trợ cấp cho các đối tượng tại Trung tâm là 360.000 đồng/ người/tháng, bao gồm tiền ăn là 300.000 đồng/người/tháng, còn lại là tiền sinh hoạt khác. Việc nâng mức trợ cấp này được bắt đầu áp dụng từ ngày 11/3/2008. Quyết định này đã tạo sự phấn khởi cho cán bộ, nhân viên cũng như những đối tượng ở Trung tâm. Anh Đinh Văn Anh, phó phòng nuôi dưỡng y tế của Trung tâm cho biết: Với mức trợ cấp đó, Trung tâm phải có sự tính toán để làm sao vừa đảm bảo cho các đối tượng được ăn no, lại đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo mức trợ cấp mới, cuộc sống ở đây đã bớt khó khăn nhưng vẫn rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành để chung tay giúp đỡ những đối tượng xã hội tại Trung tâm.
Hoàng Tâm