Muôn nẻo tìm việc làm
Khác với những phụ nữ nông thôn, vì nhiều lý do khác nhau nên họ có quan điểm "ly nông bất ly hương", với thanh niên nông thôn, họ chưa bị yếu tố gia đình ràng buộc, nếu có cũng rất ít nên tâm lý "ly hương" ngày càng trở nên phổ biến, nhất là lúc công việc đồng áng nhàn rỗi.
Nguyễn Văn K. (xóm 5, Khánh Trung, Yên Khánh) sau rất nhiều lần do dự đã quyết định rời quê hương để kiếm việc làm có mức thu nhập cao hơn. Nhờ người bạn quen biết, K.được nhận làm công nhân đá ở Yên Bái với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. K. tâm sự, ở nhà làm ruộng cũng rất vất vả mà thu nhập chỉ được hơn 1 trăm nghìn đồng/tháng.
K. lên Yên Bái với ước mơ sau vài năm sẽ trở về quê lập nghiệp bằng những đồng vốn do mình làm ra. Thế nhưng 3 tháng sau, bố K. phải lên Yên Bái đón con vì K. bị tai nạn đá đè, gẫy xương đùi. 2 tháng tiền công không lại tiền thuốc và thế là bố mẹ K. phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền chạy chữa cho con. Nhưng K. vẫn khát khao một sự thay đổi, sau khi lành vết thương, K. xin vào làm công nhân ở Công ty xi măng Tam Điệp, nhưng vì không có tay nghề, không được đào tạo bài bản nên một thời gian K. không đáp ứng được yêu cầu của công việc và lại trở về nhà. Và sau 2 lần "ly hương" không thành công, K. lại trở về với đồng ruộng. Những lúc nông nhàn, K. thấy tiếc cho sức trai trẻ của mình và ước gì có một nghề phụ nào đấy kiếm thêm thu nhập.
Rất nhiều thanh niên nông thôn hiện nay mong muốn có một thêm nghề (ngoài việc làm ruộng) để kiếm thêm thu nhập. L.H. (xã Kim Đông, Kim Sơn) tâm sự với chúng tôi, rất nhiều lần định ra các xí nghiệp may ngoài thành phố để xin việc, nhưng H. cũng như rất nhiều bạn bè khác đều không đáp ứng được những yêu cầu do các công ty đặt ra vì trình độ tay nghề còn quá thấp. H. than thở: Mình cũng đã tham gia 1 lớp học về nghề may do Đoàn thanh niên tổ chức nhưng với những kiến thức được học trong một thời gian ngắn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Họ cần những lao động có tay nghề thực sự, được đào tạo một cách cơ bản.
Thực tế việc dạy nghề cho thanh niên?
Trong các báo cáo sơ kết, tổng kết hoạt động Đoàn các cấp bao giờ cũng nói đến vấn đề dạy nghề cho thanh niên, cụ thể như mở được bao nhiêu lớp dạy nghề cho đoàn viên, thanh niên, tổ chức bao nhiêu lớp chuyển giao KHKT. Nhưng với thời gian rất ngắn (mỗi lớp dạy nghề chỉ kéo dài cùng lắm là 15 ngày) có những lớp không quá 3 ngày thì liệu hoạt động dạy nghề cho thanh niên nông thôn có thực sự thiết thực hay chỉ mang tính hình thức?
Dạy nghề cho thanh niên là để trang bị cho họ kiến thức, tay nghề nhất định để có thể lập thân, lập nghiệp bằng, sức lao động của mình, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, đồng thời đây cũng là một trong những yêu cầu cấp bách của công tác thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nhưng thực tế công tác dạy nghề cho thanh niên ở Ninh Bình những năm qua chưa thực sự hiệu quả và chưa mang lại những chuyển biến rõ nét, đa phần thanh niên tự học, tự truyền nghề rồi đi làm. Các lớp dạy nghề đã được tổ chức hầu như khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất, có những lớp học may mà 5, 6 em phải chung một máy nên hiệu quả không cao.
Trên địa bàn tỉnh có 3 trung tâm đào tạo nghề lớn là Trường Cao đẳng Lắp máy Lilama I, Trường Cao đẳng nghề cơ giới và Trường Cao đẳng nghề cơ điện - xây dựng thị xã Tam Điệp, nhưng đối với một bộ phận thanh niên nông thôn cánh cửa những trường này dường như quá xa vời bởi họ một phần không đủ kinh phí học tập, một phần khác nữa là do nhận thức của đa số người dân nông thôn đã đi học thì phải học đại học chứ học nghề thì chỉ cần ở nhà. Chính nhận thức ấy đã dẫn đến tình trạng, không có đủ nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Trước thực tế đó, các cấp bộ đoàn trong tỉnh cần tuyên truyền, vận động để đoàn viên, thanh niên nông thôn nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học nghề để có thể lập nghiệp bằng nghề mình đã học.
Chú trọng đổi mới công tác dạy nghề cho thanh niên theo hướng thiết thực, hiệu quả, nắm bắt nhanh nhạy những nhu cầu của doanh nghiệp trong việc chọn nghề để dạy nhằm tạo đầu ra cho thanh niên sau khi học nghề.
Đồng thời dạy nghề phải thiên về thực hành, để mỗi thanh niên sau khi được đào tạo nghề có những kỹ năng cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết vấn đề dạy nghề, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đang được đặt ra một cách cấp thiết bởi lực lượng lao động dư thừa ở nông thôn quá nhiều mà chưa tận dụng hết.
Đây là vấn đề cấp bách của xã hội đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành để cùng tháo gỡ khó khăn, chia sẻ với tổ chức Đoàn nhằm xây dựng 1 lớp thanh niên tiên tiến đáp ứng thời kỳ CNH-HĐH theo tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X.
Quỳnh Thu