Xích Thổ (Nho Quan) là một xã miền núi, chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 479, có địa thế trung tâm, do vậy người dân ở một số xã lân cận như Lạc Thủy (Hòa Bình), Gia Sơn (Nho Quan) tham gia các hoạt động thương mại tại chợ Xích Thổ. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Xích Thổ xác định xây dựng chợ truyền thống thành một trung tâm thương mại thu hút giao thương ở vùng lân cận góp phần phát triển kinh tế- xã hội, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Ông Bùi Tuần Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ cho biết: Trên địa bàn xã có 1 chợ nông thôn, được triển khai xây dựng từ năm 1995. Để hoàn thành tiêu chí số 7, xã đã đầu tư gần 1 tỷ đồng nâng cấp đưa chợ vào sử dụng theo tiêu chí nông thôn mới năm 2017. Bên cạnh đó, toàn xã đã có 50 cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại các thôn, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Để chợ hoạt động hiệu quả, xã đã thành lập Ban quản lý chợ; có nội quy, quy chế hoạt động đảm bảo an ninh trật tự và an toàn phòng, chống cháy nổ trong khu vực chợ. Có sử dụng cân đối chứng để người tiêu dùng tự kiểm tra về khối lượng, cân đong hàng hóa. Các hoạt động kinh doanh tại chợ đảm bảo chấp hành theo đúng quy định của pháp luật...
Khác với Xích Thổ, do điều kiện vị trí địa lý xã Khánh Lợi giáp chợ Xanh, xã Khánh Thiện và chợ Ninh, thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) thuận tiện cho việc trao đổi, mua bán sản phẩm hàng hóa nên xã không quy hoạch xây dựng chợ mà chỉ khuyến khích các hộ gia đình mở các cửa hàng. Hiện trên địa bàn xã có 26 cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa tại các thôn, xóm, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân...Ông Đỗ Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Khánh Lợi cho biết: Mọi hoạt động giao thương của người dân Khánh Lợi từ trước đến nay đều diễn ra ở chợ Xanh (xã Khánh Thiện) chính vì vậy nếu khiên cưỡng để xây dựng chợ tại xã thì sẽ không thu hút được nhiều người dân tham gia, dẫn đến lãng phí, không hiệu quả.
Theo bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới thì cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn bao gồm chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp) đạt chuẩn theo quy định. Đây là tiêu chí quan trọng, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn. Do vậy, việc chỉ đạo linh hoạt các địa phương thực hiện tiêu chí này sẽ giảm được những áp lực đối với chính quyền địa phương trong huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, giúp các địa phương tập trung nguồn vốn hoàn thành các tiêu chí khác.
Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua, các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng NTM nói chung và đầu tư hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn nói riêng. Hầu hết các địa phương sau khi được hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ nông thôn đều làm tốt công tác quản lý, điều hành hoạt động của các hộ kinh doanh, tiểu thương, từ đó thúc đẩy quá trình giao thương, trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm thay đổi diện mạo tại khu vực nông thôn.
Từ năm 2010 đến nay, đã có 61/85 chợ đạt tiêu chí nông thôn mới, chiếm 71,8% tổng số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các chợ được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp với tổng số vốn khoảng 110 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn khác. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có 19 xã đăng ký đạt chuẩn NTM thì có 5 chợ được hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới với tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 5,5 tỷ đồng; còn lại được huy động từ các nguồn vốn khác.
Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Sở Công thương đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xã hội hóa đầu tư đi đôi với đổi mới hình thức quản lý chợ, tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện cho các thương nhân có nhu cầu đầu tư, quản lý khai thác chợ được khảo sát, tiếp cận với các chợ có khả năng khai thác cao để lập dự án đầu tư. Đến nay, Quỹ đầu tư và phát triển tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư chợ Khánh Nhạc (xã Khánh Nhạc) và chợ Bút (xã Yên Mạc), một số doanh nghiệp tư nhân đã hoàn thành đầu tư xây dựng chợ Dầu (xã Khánh Hòa), chợ Na (xã Gia Lâm), chợ Liên Phương (xã Yên Nhân), chợ Ninh Mỹ (xã Ninh Mỹ)… Bên cạnh đó, Sở cũng lồng ghép nguồn trong chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho một số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh xây dựng các hạng mục đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay đã hỗ trợ đầu tư cho 2 chợ, tổng số vốn hỗ trợ là 221 triệu đồng.
Để tiêu chí số 7 thực sự mang lại hiệu quả cho các địa phương, tỉnh đã ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 5/5/2014 về việc phê duyệt mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan triển khai công tác an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhất là công tác thiết kế chợ cho phù hợp quy định và thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn, bố trí quầy hàng trong chợ, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng chống cháy nổ...
Trong thời gian tới, để hoàn thành tiêu chí số 7, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ mục tiêu của việc xây dựng và hoàn thành tiêu chí là đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng-an ninh theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, dân làm, dân thụ hưởng, người dân là chủ thể trong xây dựng NTM. Đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã cần phải chủ động triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Nguyễn Thơm