Trường mầm non Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) rất chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn. Các cô giáo, nhân viên dinh dưỡng đều đầu tóc gọn gàng, đeo khẩu trang, găng tay chế biến và chia khẩu phần thức ăn, mọi vật dụng đều được xếp gọn gàng, ngăn nắp theo một trật tự nhất định. Cô giáo Trần Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường mầm non Ninh Tiến có nhiệm vụ nuôi dưỡng và chăm sóc trên 300 cháu, chia làm 3 điểm trường, mỗi điểm trường bình quân 100 cháu. Các điểm trường đều được chia thành các lớp với 4 độ tuổi (nhà trẻ và từ 3-5 tuổi). Tỷ lệ trẻ ăn bán trú luôn đạt 100%. Nhận thức rõ vấn đề an toàn thực phẩm có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ, nhà trường luôn quan tâm thực hiện tốt quy trình, chế biến thực phẩm theo quy định của Bộ y tế. Khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình vận hành 1 chiều, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. Thức ăn không sử dụng hết được bảo quản trong tủ lạnh. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ bao gồm máy lọc nước, tủ đựng thức ăn chín, tủ lưu mẫu thực phẩm... Các vòi rửa thực phẩm, nước nấu ăn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh của nhà máy nước thành phố Ninh Bình.
Để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho 3 bữa của trẻ tại trường, công tác đảm bảo VSATTP luôn được nhà trường thực hiện đúng theo quy định. Nhà trường lựa chọn những cơ sở cung cấp có uy tín, có địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Thực đơn thực phẩm được lên lịch theo tuần, theo mùa. Hằng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường. Bên cạnh đó, các nhân viên cấp dưỡng đều được tập huấn kiến thức về VSATTP, được khám sức khỏe định kỳ, có trình độ nhất định về sơ chế, nấu ăn cho trẻ em… Đặc biệt, do có diện tích đất rộng nên các khu điểm của nhà trường đều tự túc được phần lớn rau xanh. Rau được các cô trồng theo mùa, xung quanh trường, vừa đảm bảo xanh hóa trường học vừa có rau sạch phục vụ bữa ăn hàng ngày cho các cháu.
Cũng theo cô giáo hiệu trưởng trường mầm non Ninh Tiến, chỉ với 15 nghìn đồng/ngày nhưng nhà trường đã bố trí 1 bữa chính và 2 bữa phụ nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho các cháu phát triển. Ngoài bữa chính với các món ăn được thay đổi theo ngày và theo tuần, các bữa phụ là bữa sáng và bữa chiều cũng đều được thay đổi liên tục nhằm kích thích vị giác để các cháu ăn ngon và tăng cân đúng biểu đồ. Do vậy, vào đầu năm học, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng luôn cao hơn cuối năm. Năm học 2015-2016, tỷ lệ trẻ phát triển bình thường chiếm trên 97%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chỉ còn 2,8%, giảm 1,6% so với đầu năm. Hầu hết phụ huynh hài lòng và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.
Được biết, hiện toàn tỉnh có gần 400 trường mầm non và tiểu học với hàng chục nghìn học sinh theo học, trong đó tỷ lệ học sinh mầm non ăn bán trú chiếm gần 90%, khối tiểu học chiếm gần 50%. Riêng thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, có gần 100% các trường mầm non và tiểu học thực hiện cho học sinh ăn bán trú tại trường. Số lượng học sinh bán trú khá đông, do đó, vào đầu mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có công văn chỉ đạo các nhà trường có học sinh ăn bán trú cần thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ y tế về đảm bảo VSATTP, lựa chọn nguồn thực phẩm sạch từ những cơ sở có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm đẩy đủ. Hiện các bếp ăn trường học trên địa bàn tỉnh đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.
Để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, hàng năm, Chi cục ATVSTP tỉnh đều phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn kiến thức VSATTP và khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ nhân viên dinh dưỡng, cô nuôi trong các nhà trường. Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp và tuyên truyền đến các nhà trường nâng cao ý thức trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về VSATTP. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo VSATTP, góp phần nâng cao nhận thức cho thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Do đó, nhiều năm nay, tại các cơ sở trường học có ăn bán trú trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Tuy nhiên, trên thực tế rất khó đảm bảo tuyệt đối chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường học, bởi hầu hết các loại thực phẩm cung cấp đều được hợp đồng bằng miệng, qua người quen, trông chờ vào uy tín, độ tin cậy và ý thức của người kinh doanh, cung cấp thực phẩm; một số trường ở vùng nông thôn, khu lẻ còn khó khăn nên việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ chế biến còn hạn chế; nhiều trường còn dùng bát nhựa, cốc nhựa cho học sinh; một số trường, bếp ăn xây dựng chưa đúng quy cách, còn dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín…
Để thực hiện nghiêm quy định về VSATTP, đòi hỏi các trường học thực hiện cho học sinh ăn bán trú tại trường cần thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm, quan tâm đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, nâng cao ý thức cho người thực hiện. Đồng thời các cấp, các ngành cũng cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện ATVSTP trong các nhà trường, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất với những cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, các bếp ăn trong trường học, từ đó kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm… mục tiêu là đảm bảo vệ sinh, an toàn trong các bữa ăn cho học sinh.
Hạnh Chi