Hiện nay, toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.572 ha, bao gồm: KCN Khánh Phú, KCN Khánh Cư, KCN Phúc Sơn, KCN Gián Khẩu, KCN Tam Điệp I, KCN Tam Điệp II, KCN Kim Sơn. Đến nay có 5 KCN đi vào hoạt động, thu hút 104 dự án đầu tư, trong đó có 95 dự án đã có hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, 9 dự án còn lại hiện đang được khẩn trương hoàn thiện. Các dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn đa phần đều có quy mô, công suất lớn, tổng mức đầu tư bình quân một dự án trên 501 tỷ đồng, diện tích bình quân/dự án là 6,8ha. Dự án có quy mô lớn nhất và cũng là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất là Nhà máy Đạm-Ninh Bình (thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam), sử dụng 53,1 ha đất, số vốn đăng ký đầu tư trên 10 nghìn tỷ đồng; có 4 dự án có vốn đầu tư đạt trên 3.000 tỷ đồng, 17 dự án có vốn đầu tư từ 500 tỷ đồng đến dưới 3.000 tỷ đồng. Với quy mô và công suất lớn, hiện các dự án đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy vậy, do tính chất các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều phát triển sản xuất đa ngành, đa lĩnh vực nên có nhiều loại rác thải khác nhau, nhất là nước thải nên dẫn đến việc thu gom và xử lý gặp khó khăn. Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh: Tổng lượng nước thải phát sinh tại các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khoảng 7.000 m3/ngày đêm. Đến nay mới chỉ có KCN Khánh Phú đã được đầu tư xây dựng và vận hành Nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn I do Công ty TNHH Thành Nam làm chủ đầu tư (công suất 12.000 m3/ngày đêm). KCN Gián Khẩu đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng chưa vận hành. Còn các KCN khác chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên việc thu gom, xử lý nước còn nhiều khó khăn. Trong khi đó vẫn còn một số doanh nghiệp trong KCN không thực hiện đăng ký nguồn thải theo quy định, có doanh nghiệp tự lưu trữ chất thải không đảm bảo quy định, gây ô nhiễm cục bộ.
Mặc dù chất lượng môi trường trong các KCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục ngay như: công tác quan trắc môi trường định kỳ của các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được thường xuyên, chưa đúng tần suất, chỉ tiêu quan trắc. Một số đơn vị thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động vẫn chưa triển khai thực hiện. Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển, một số đơn vị chưa tuân thủ các quy định về che chắn, chở đúng trọng tải, chạy đúng tốc độ gây ô nhiễm môi trường xung quanh đặc biệt là gây bụi. Bên cạnh đó một số đơn vị lắp đặt các thiết bị, công nghệ lạc hậu nên có khả năng gây ô nhiễm cao. Một số đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, nên đã có lúc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của dân cư khu vực phụ cận.
Vì vậy, để các doanh nghiệp trên địa bàn nói chung, các doanh nghiệp trong các KCN nói riêng phát triển bền vững thì vấn đề bảo vệ môi trường phải thực sự được coi trọng. Trong đó cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của mọi tổ chức, cá nhân trong các KCN. Đặc biệt, sớm đưa nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Gián Khẩu vào hoạt động và đầu tư xây dựng nhà máy nước xử lý nước thải tập trung cho các KCN còn lại. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát BVMT phải được chú trọng ở cả 3 khâu: lập kế hoạch kiểm tra; thực hiện kiểm tra và theo dõi việc thực hiện kiến nghị sau kiểm tra. Đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm các đơn vị vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo sức răn đe của pháp luật...
Đinh Ngọc