Tại Khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, bác sĩ Phạm Hồng Kiều, Trưởng khoa cho biết: Khoa Nội nhi hiện vẫn đang đảm bảo công suất giường để phục vụ người bệnh, tuy nhiên những ngày gần đây, do thời tiết quá nóng, nhiệt độ tăng cao khiến trẻ mắc một số bệnh như sốt, viêm họng, nổi mẩn ngứa, mọc mụn, các bệnh về tiêu hóa gia tăng. Đặc biệt là bệnh về đường tiêu hóa, là bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi rút, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây ra, nguyên nhân mắc thường là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, uống nhiều nước đá lạnh. Hơn nữa, trẻ thường chưa ý thức được việc giữ vệ sinh cá nhân nên thường hay mút tay, chơi các đồ chơi không đảm bảo vệ sinh là có thể gây bệnh cho mình và lây lan bệnh trong cộng đồng.
Cũng theo bác sĩ Phạm Hồng Kiều: "Trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay, không nên cho trẻ tắm quá lâu, quạt thẳng vào người hoặc để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp. Hiện cũng là dịp nghỉ hè, các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, hạn chế không cho trẻ đùa nghịch ngoài nắng, khi phát hiện trẻ bị sốt cần đo nhiệt độ cơ thể và cho uống thuốc hạ sốt, nếu bị nặng cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Bên cạnh đó, nên cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn thức ăn lỏng để bảo đảm sức đề kháng của cơ thể trẻ; đặc biệt phải bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, tránh ôi thiu rất dễ gây bệnh tiêu chảy...".
Tại các Khoa Tim mạch, Khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mặc dù lượng bệnh nhân không tăng nhiều nhưng có khá nhiều bệnh nhân bị tái phát bệnh do thời tiết nắng nóng. Một số bệnh nhân cao tuổi phải cấp cứu do huyết áp, tai biến. Bác Nguyễn Văn Bách, xã Gia Hòa (Gia Viễn) chia sẻ: Do thời tiết nắng nóng, oi bức kéo dài nên bệnh huyết áp cao của tôi tái phát. Hàng ngày, mặc dù đã uống thuốc đều đặn nhưng cơ thể tự nhiên tê nửa người, huyết áp cao tăng lên 160-170 mmHg, bản thân tôi và gia đình rất sợ bị tai biến nên khẩn trương nhập viện điều trị. Hai ngày nay, do được điều trị đúng bệnh nên cơ thể đã đỡ tê, huyết áp giảm xuống 130-140mmHg, các bác sĩ cho biết còn phải tiếp tục điều trị hàng tuần nữa may ra mới ổn định...
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đợt nắng nóng kéo dài này khiến người cao tuổi chưa kịp thích nghi để ổn định sức khỏe, từ đó khi đang mắc một số bệnh về huyết áp, tai biến, đột quỵ dễ xuất hiện tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, say nóng... dẫn đến dễ mắc thêm một số bệnh khác như viêm phổi, bệnh về đường hô hấp, dễ xảy ra tai biến mạch máu não, nguy hiểm đến tính mạng. Khoa Thần kinh có 65 giường bệnh, hiện đang phải sử dụng vượt công suất với trên 70 giường, lúc cao điểm phải sử dụng gần 100 giường. Trước tình trạng bệnh nhân quá tải, Khoa phải kê thêm các giường phụ, Bệnh viện cũng bổ sung thêm một buồng bệnh với 20 giường, đáp ứng yêu cầu chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những ngày gần đây, nhiệt độ tăng cao kéo dài khiến cơ thể trẻ em và người già không thích nghi kịp, sức đề kháng kém nên khả năng nhiễm bệnh cao. Cùng với đó, thời tiết đầu mùa hè cũng là môi trường thuận lợi cho nhiều loại virus sinh sôi, phát triển nhanh. Thực hiện văn bản số 191, ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh trong mùa nắng nóng năm 2019, ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở tăng cường giám sát, triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, chú trọng các bệnh có nguy cơ bùng phát như tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, viêm não Nhật Bản... Cùng với đó tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ các nguồn cung cấp nước sinh hoạt, đảm bảo nồng độ clo dư, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo dự báo, thời tiết nắng nóng còn kéo dài nhiều đợt nữa, do đó việc chăm sóc sức khỏe nói chung, cho người già và trẻ em càng phải được quan tâm hơn. Vào những ngày nắng nóng, trên dưới 40 độ C không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Không cho trẻ em hay người có tuổi, đặc biệt người mắc các bệnh mãn tính (tim mạch, huyết áp, bệnh phổi…) ra nắng lúc nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Với những người lao động, nếu bắt buộc phải đi lại hay làm việc ngoài trời nắng không nên làm việc quá 2 giờ liên tục dưới nhiệt độ cao, cần nghỉ ngơi (tìm bóng râm, mát để nghỉ) và nên có khăn ướt che phủ phía sau gáy (nơi tập trung nhiều đầu mối dây thần kinh để vừa có tác dụng chống nắng chiếu vào gáy, giải nóng, tránh sốc nhiệt). Cần mang theo đủ nước uống (nếu có nước pha thêm một ít muối càng tốt hoặc có thêm nước trái cây) trước khi ra ngoài để uống, tránh để cơ thể mất nước. Đồng thời cần có các biện pháp chủ động phòng tránh tác động của thời tiết bất lợi, góp phần hạn chế nhiều bệnh tật phát sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Bài, ảnh: Hạnh Chi